NSƯT Tiến Hợi:

Vào vai Bác Hồ là duyên trong sự nghiệp và cuộc đời tôi

ANTD.VN - Với hơn 40 năm hóa thân vào vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi cho biết, việc vào vai Bác Hồ vừa là vinh dự vừa là trọng trách nhưng cũng là áp lực rất lớn. Ngoài việc hóa trang sao cho có ngoại hình hao giống Bác còn cần phải có giọng nói, thần thái, đặc biệt là ánh mắt sáng, đầy nghị lực của Người. Bên cạnh đó, NSƯT Tiến Hợi tiết lộ, thành công của anh có công rất lớn từ bà xã - nghệ sĩ hóa trang Vương Đạm Thủy.

NSƯT Tiến Hợi làm nên tên tuổi của mình với khán giả qua hàng loạt vai diễn về Bác Hồ

Hơn 40 năm nhưng mãi không quên

- PV: Đã hơn 40 năm vào vai Bác Hồ, chắc hẳn anh còn nhớ cảm xúc lần đầu tiên khi được hóa thân trong vai diễn lịch sử này?

- NSƯT Tiến Hợi: Thời điểm đó, tôi mới 28 tuổi và được mời đóng vai Bác trong vở “Đêm trắng”. Khi được nhận vai diễn này, đó là một vinh dự, nhưng tôi cũng rất căng thẳng và áp lực vì chưa có nhiều kinh nghiệm, lại không sống trong thời đạn bom. Trong khi đó, để hóa thân vào vai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc không hề đơn giản. Tôi đã tìm đọc nhiều tư liệu và liên tục tập luyện từ dáng dấp, thần thái sao cho giống Bác nhất, thu băng giọng nói của Người và học theo suốt ngày đêm.

Vở diễn khép lại, cả hội trường sân khấu vỡ òa và vỗ tay rất lớn, Khi tôi bước ra chào khán giả, tôi không nghĩ vào vai Bác lại được khán giả đón nhận đến như vậy, cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng ấy. Là một diễn viên trẻ mới ra trường được vào vai quần chúng đã là hạnh phúc, vậy mà tôi được giao vai diễn lớn như thế thì chính là sự may mắn.

Tôi nhớ, hôm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tặng hoa cho tôi. Miệng Đại tướng cười nhưng nước mắt rung tưng và chỉ nói được hai từ: “Cảm ơn! Cảm ơn!”. Đồng thời, bác Vũ Kỳ là người đã từng ở cạnh Bác, là thư ký của Bác đã vào phòng hóa trang của tôi, chờ tôi tẩy trang xong, ông ôm tôi khóc rồi vỗ vai nói: “Tốt quá! Tốt quá! Cảm ơn nghệ sĩ. Cậu trẻ thế này mà cậu thể hiện được thần thái của Bác. Tôi xem, tôi xúc động quá!”.

- Vậy cơ duyên nào để cho nghệ sĩ đến với vai diễn Bác Hồ?

-  Khi mới ra trường, tôi công tác tại Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn quân khu 2. Năm 1987, đoàn dựng vở kịch “Đêm trắng” do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn, ban đầu chủ trương là mời một nghệ sĩ từng đóng Bác Hồ về tham gia. Nhưng mượn các nghệ sĩ khác có nhiều bất cập, vậy nên ban lãnh đạo quyết định tìm một nghệ sĩ ngay trong đoàn. Sau đó, tôi và một diễn viên khác được lựa chọn để thử vai. Thời điểm đó, tôi mới 28 tuổi, lại rất gầy, người dong dỏng, cao 1m70 nặng khoảng 53kg nên việc hóa trang sao cho giống Bác khá thuận lợi. Cuối cùng, tôi đã may mắn được chọn.

- Trước đó, từng có một số nghệ sĩ khác thử sức với vai diễn này, anh có ấn tượng đặc biệt với ai không?

-  Tôi được biết, đã có một số nghệ sĩ từng đóng vai Bác Hồ như: NSND Mạnh Linh, NSND Lê Tiến Thọ, NSƯT Hà Văn Trọng, Ngọc Thủy… Trong đó, tôi ấn tượng với diễn viên Minh Hải của Nhà hát kịch Việt Nam, cậu ấy đã cố gắng thể hiện được phần nào tinh thần của Bác. Sau này tôi thấy các diễn viên khi vào vai Bác Hồ thường chỉ dừng ở mức mô phỏng lại hình tượng nhân vật, chưa có sự đi sâu tìm tòi để tạo ra kịch tính, chưa thể hiện được cốt cách cũng như tâm tư, tình cảm của Người trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

- Hẳn anh cũng trăn trở ít nhiều với thế hệ sau khi họ có được cơ hội hóa thân vào vai Bác. Anh có mong muốn tìm ra “truyền nhân” để truyền lại những kinh nghiệm mình có khi đóng vai này không?

- Trước kia, thế hệ của các chú, các anh đã từng tham gia hoạt động cách mạng, viết được những kịch bản về Bác vô cùng xuất sắc, đó chính là tư liệu quý giá để tôi có thêm chất liệu đưa vào vai diễn của mình. Trong tương lai, tôi mong muốn tìm được một diễn viên trẻ có dáng dấp giống Bác để được truyền đạt kinh nghiệm, tiếp tục thể hiện hình ảnh Bác Hồ trên sân khấu. 

- Có thể nói sự nghiệp của anh đã “đóng đinh” với vai diễn Bác Hồ, vậy vai diễn ấy có tác động gì đến cuộc sống đời thường của anh?

- Đã có hơn 40 năm diễn vai Bác Hồ, hóa thân hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu đến phim truyền hình, điện ảnh nên tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã thấm đậm vào trong con người và trái tim tôi lúc nào không hay. Vì thế mà phong cách sống của Bác cứ tự nhiên ngấm dần và thành một phần tính cách con người mình. Ngay cả với gia đình, tôi luôn nhắc nhở con cái hãy hòa mình cùng cộng đồng và sống chân chất, trung thực và thẳng thắn. Đó là cách tôi học của Bác, sống khiêm tốn nhưng phải rõ ràng, dứt khoát. Đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy, không chỉ sự nghiệp mà ngay cả với cuộc đời tôi, vai diễn Bác Hồ chính là một cái duyên.

Thương vợ mỗi khi hóa trang cho mình đi diễn

- Nhắc đến gia đình, anh cũng từng tiết lộ vợ anh đóng góp rất nhiều cho anh được thành công ở vai diễn Bác Hồ, anh có thể chia sẻ cụ thể về điều này?

- Vợ tôi là nghệ sĩ Vương Đạm Thủy, cô ấy cũng là một trong những người tham gia hóa trang cho tôi trong vai diễn của vở kịch “Đêm trắng”. Để vai diễn lên sân khấu dù vài phút hay vài tiếng đều cần khoảng 2 giờ hóa trang với đầy đủ quy trình. Nhiều khi tôi rất thương cô ấy vì việc hóa trang vất vả cho mình. Thành công của tôi cũng là nhờ một phần rất lớn từ vợ. 

- Hình như mối duyên trăm năm của anh chị cũng bắt đầu từ nghệ thuật?

- Đúng vậy, hồi Đoàn Trường Sơn bắt đầu dựng vở “Đêm trắng”, vì điều kiện không mời được nghệ sĩ hóa trang lớn nên cô ấy được đoàn cử đi học hóa trang vai Bác Hồ. Tôi thì lại được may mắn giao đóng vai Bác, rồi cơ duyên thế nào chúng tôi phải lòng nhau rồi sau đó nên duyên vợ chồng. Cũng từ dạo đó, việc hóa trang cho tôi vào vai Bác đều do một tay cô ấy đảm trách. Vợ tôi tuy sinh ra và lớn lên ở thành phố Việt Trì, nhưng gốc gác ở xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Từ Nam Liên sang Kim Liên quê Bác cũng không xa. 

- Hiện nay, anh đang công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội và cũng sắp đến thời điểm về hưu, anh có dự định gì sau khi nghỉ chưa?

- Nhiều người nói, về hưu chắc chắn mình sẽ buồn và hụt hẫng, nhưng với tôi thì không. Tôi rất vui vẻ, người nghệ sĩ thì không có tuổi hưu, khi khán giả còn cần đến mình thì chúng tôi sẽ luôn đi diễn. Nói vui là đến thời điểm cầm sổ hưu nhưng khi nhà hát cần, hay các chương trình cần đến mình thì tôi sẽ luôn có mặt. Còn khi đã được nghỉ hưu rồi, tôi sẽ dành thời gian đó cho gia đình hoặc đi chơi khắp nơi với bạn bè.

- Xin cảm ơn NSƯT Tiến Hợi!