Vàng giảm giá mạnh

ANTĐ - Sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định cho nhập vàng, giá vàng trong nước đã ổn định và đi xuống. Cảnh người dân đua nhau bán vàng đã thay cho cảnh người dân chen nhau mua vàng trong ngày hôm trước.

Giao dịch vẫn tấp nập nhưng thay cho việc mua vàng là cảnh người dân mang vàng đi bán

Mua cao bán thấp

Mở cửa phiên giao dịch sáng qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,2 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng so với mức giá đóng cửa hôm trước. Cho tới 9h sáng, giá vàng tại các cửa hàng tiếp tục dao động quanh mức 44,5-45,2 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Tuy nhiên, đến hơn 10h, mức giá niêm yết tiếp tục được điều chỉnh giảm 200.000- 350.000 đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Trên phố Trần Nhân Tông, cảnh tượng đông đúc vẫn tiếp diễn nhưng tình hình giao dịch đã đổi chiều. Mặc dù giá vàng giảm nhưng lượng người đem vàng đi bán lại chiếm ưu thế. Nơi để xe của cửa hàng Bảo Tín Minh Châu luôn trong tình trạng chật cứng, người - xe ra vào tấp nập. Số người chờ đợi giá vàng giảm để mua vào cũng có nhưng không nhiều.

Với tâm lý lo ngại giá vàng sẽ tiếp tục giảm khi lượng vàng được nhập khẩu về nước, nhiều người đã không ngần ngại cắt lỗ. Cùng với đó những người mua được vàng ở mức giá thấp hơn cũng muốn nhanh tay chốt lãi trước khi giá vàng giảm tiếp. Tại tầng 2 của cửa hàng, khách đến bán vàng phải xếp thành 2 hàng dài chờ đợi. Lượng khách đến bán vàng đông khiến cửa hàng này không đủ tiền mặt để trả đành phải viết giấy hẹn sang buổi chiều nhận tiền.

Trong khi vàng “sốt” giá, nhiều người vẫn mạnh tay mua vào bất chấp mức chênh lệch giá mua - giá bán lên tới cả triệu đồng. So với giá mua ở mức cao nhất trong ngày 9-8, giá vàng trong ngày hôm qua có lúc đã giảm tới 1,8 triệu đồng/lượng. Anh Vũ Nhật Minh (Đống Đa - Hà Nội) nhẩm tính: “Những người mua ở mức giá 46,2 triệu đồng/lượng nếu bán ra trong ngày hôm qua sẽ lỗ tới 2,4 triệu đồng/lượng. May là hôm trước đông người mua nên chờ mãi không đến lượt, kể ra thì chậm lại hay. Hôm qua, ông anh rể tôi còn đi vay tiền để “lướt sóng”, đâu ngờ giá vàng giảm mạnh như thế này”.

Đến cuối buổi chiều, mức giá có phục hồi chút ít. Lúc 16h54, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 43,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,42 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 43,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tác động xấu lên tỷ giá

Song hành cùng diễn biến của giá vàng, tỷ giá trong mấy ngày vừa qua cũng biến động sau chuỗi thời gian đứng ở mức tương đối ổn định. Khi các doanh nghiệp được phép nhập vàng, cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị này phải mua được một lượng lớn ngoại tệ và điều này sẽ làm tăng sức ép lên tỷ giá. Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước bị làm giá, đầu cơ nên có những thời điểm vượt xa giá vàng thế giới, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến lượng vàng nhập lậu tăng mạnh. Để nhập lậu vàng thì các đầu nậu cũng phải gom USD, khiến tỷ giá thêm một lần chao đảo.

Sau một thời gian ổn định tương đối dài, sáng qua Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng lên 20.618 đồng/USD. Ngay lập tức các ngân hàng cũng đồng loạt tăng giá bán USD thêm 10 đồng lên mức trần tỷ giá là 20.824 đồng/USD. Theo tính toán của các doanh nghiệp, để nhập khẩu 5 tấn vàng cần huy động khoảng 300 triệu USD. Như vậy nguồn cầu ngoại tệ lớn này có thể sẽ gây biến động mạnh đến tỷ giá USD.

 Tỷ giá tăng lên cũng không phải làm một điều đáng buồn. Tỷ giá ổn định cũng không hẳn là điều vui, lý do vì sao? Trong 2 - 3 tháng gần đây, chúng ta đã biết việc hệ thống ngân hàng đã cho vay ngoại tệ tương đối lớn, tới hơn 20%, gấp hàng chục lần so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng VND. Giá vàng tăng lên và việc dịch chuyển của thị trường ngoại hối làm tỷ giá tăng lên là một tín hiệu cho NHNN một cách điều hành tỷ giá, cũng như giúp thị trường một cách nhìn về tỷ giá hối đoái.

“Có thể nói rằng trong mấy năm gần đây vàng luôn nằm trong xu hướng tăng giá. Nhiều quốc gia phải bỏ tiền ra mua vàng. Việc chúng ta phải xem lại các hoạt động huy động vàng, cho vay vàng, làm sao trong xu hướng tất yếu đó, người dân Việt Nam có thể nắm giữ các tài sản tài chính tạo ra lợi ích của quốc gia” - ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) phân tích.

Bài học cho cơ quan quản lý

Tổng Giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho rằng: “Ngẫu nhiên hay là tất nhiên, thì sự tăng giá vàng cũng giúp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm một cách nhìn mới về lựa chọn cách điều hành tỷ giá. Lúc này, Chính phủ, NHNN có thể xem xét lại một khuôn khổ pháp lý nào để có thể điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp, các cá nhân nắm giữ vàng. Sự biến động của tỷ giá, giá vàng thời gian qua, giúp những nhà kinh doanh tìm cách kiếm lời, mua thấp bán cao và ngược lại - là bình thường. Điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước có thể học được, rút ra từ thực tế sinh động đó, là nhìn nhận lại một cách hết sức bình tĩnh, nhiều chiều việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho huy động, cho vay vàng, cũng như mua - bán vàng trên lãnh thổ Việt Nam”.