Vàng giả "qua mặt" máy soi được làm ra như thế nào?

ANTĐ - Vừa qua, một loạt các cửa hàng vàng lớn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội đã mắc bẫy vàng giả. Gần chục miếng vàng rởm do người nước ngoài cung cấp đã được bán “qua mặt” thiết bị đo tuổi vàng. Vậy loại vàng này được làm ra như thế nào, phương pháp “chế tạo” tinh vi ra sao? 

Kết quả nghiên cứu bước đầu vừa được Tập đoàn DOJI đưa ra, đã chỉ rõ cách chế tạo tinh vi của các đối tượng làm vàng giả nhằm móc túi người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Ông Dương Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc phụ trách khối sản xuất - kĩ thuật Tập đoàn DOJI cho biết, theo kết quả nghiên cứu trên mẫu “vàng lạ” thu được trên thị trường trong thời gian vừa qua, đây có thể là một dạng vật liệu đặc biệt khác với Volfram thông thường.

Vì Volfram thông thường khó hòa tan trong vàng với hàm lượng lớn, đồng thời nó có thể bị phát hiện bằng một số phương pháp. Volfram có tỷ trọng rất gần với vàng và nhiệt độ nóng chảy cao hơn rất nhiều, do đó khi độn Volfram trong vàng sẽ không xác định được bằng phương pháp cân tỷ trọng. Tuy nhiên Volfram không hòa tan được trong vàng nên chỉ có thể sử dụng phương pháp bọc vàng phía ngoài. 

                          Một lớp vàng mỏng được bọc bên ngoài miếng Volfram

Do nhiệt độ nóng chảy của Volfram cao hơn vàng rất nhiều nên trong quá trình bọc Volfram không bị chảy ra và vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu của phần lõi. Phương pháp này có thể phát hiện được nếu cắt sản phẩm ra hoặc nấu chảy toàn bộ khối vàng.

Tuy nhiên, các mẫu “vàng lạ” xuất hiện mới đây được “sản xuất” bởi phương pháp tinh vi hơn rất nhiều. Qua kiểm tra và nghiên cứu một số mẫu “vàng lạ” bằng các phương tiện máy móc khoa học hiện đại, kết quả bước đầu cho thấy, vàng giả ở đây được chế bằng cách cho một loại “bột” kim loại mịn gồm các kim loại nặng trong nhóm Pt. Cụ thể là: Ru (Ruthenium), Os (Osminum), Ir (Irridium) – Gọi tắt là ROI.

Các kim loại này đều không tạo hợp kim với vàng, vì vậy chúng chỉ tồn tại trong vàng miếng dưới dạng tạp chất cơ học giống như các hạt sạn màu ánh kim. Khi đo kiểm tra hàm lượng vàng bằng phổ kế X-quang cũng xác định được có các thành phần như vậy.

Trên mẫu nghiên cứu cho thấy, bề mặt vàng giả không thật bóng mịn mà có xuất hiện những hạt lấm tấm khác với bề mặt bóng nhẵn của vàng 9999 thông thường. Khi chụp phóng đại dưới kính hiển vi cũng xác định được cấu trúc bề mặt có dạng “hạt” khá rõ, khác biệt so với cấu trúc bề mặt của vàng 9999.

                   Bề mặt dạng “hạt” khi chụp dưới kính hiển vi khác so với vàng 9999

Khi cắt ngang mẫu vàng giả thấy có độ dẻo kém hơn, có vết gẫy của vật liệu có độ giòn tự nhiên (chưa bấm hết kìm đã gẫy, không như vàng 4 số bấm hết kìm vẫn chưa đứt hẳn). Đặc biệt, trên bề mặt vết cắt soi dưới kinh hiển vi có nhìn thấy những hạt nhỏ màu trắng khá rõ.

                                    Hạt nhỏ màu trắng khi soi dưới kính hiển vi

Kết quả đo cho thấy có sự khác biệt khá rõ giữa mặt ngoài và bên trong mẫu vàng. Sự chênh lệch này làm cho người mua bị thiệt hại nếu không xác định được chính xác hàm lượng của vàng trong mẫu.