Vàng chảy đi đâu?

ANTĐ - Ngày 18-4 tại phiên đấu thầu vàng lần thứ 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành thủ tục mua bán 39.800 lượng vàng trong tổng số 40.000 lượng chào bán cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Sau 9 phiên đấu thầu liên tiếp tính từ cuối tháng 3 đến nay, NHNN đã bán ra tổng cộng 263.400 lượng vàng, tương đương 10,1 tấn vàng. Đây là khối lượng khổng lồ nếu tính thời gian chỉ trên 20 ngày được tung ra thị trường với ý đồ được NHNN công bố là tăng cung cho thị trường vàng nhằm điều chỉnh giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Rất tiếc, ngày 19-4 giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới 6,7 triệu/lượng so với ngày 26-3 là 2,9 triệu/lượng, nghĩa là sau khi tung 10,1 tấn vàng ra thị trường chênh lệch giá vàng so với thế giới đã gấp trên hai lần. 

Thị trường vàng vẫn thiếu nghiêm trọng vàng vật chất, đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế. Nhìn cảnh tượng đêm ngày 17-4 hàng đoàn người rồng rắn vẫn xếp hàng mua vàng lẻ tại các cửa hàng vàng, cùng với tiết lộ: tổng cộng SJC đã tung ra thị trường 20 triệu lượng vàng miếng SJC,  một câu hỏi lớn được đặt ra: Vàng đang chảy đi đâu? Và còn cần thêm bao nhiêu vàng nữa để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu thị trường, NHNN có đủ sức để bình ổn thị trường theo hướng này không?

Mơ hồ mục đích 

Nhớ lại thời điểm ngày 26-2-2013, khi NHNN và Công ty SJC ký kết hợp tác gia công vàng miếng, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch SJC, khẳng định: “Trong vòng một tuần sau lễ ký kết, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới”. Còn ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết, NHNN đóng vai trò là người kiến tạo thị trường, mua bán cuối cùng với mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đặt ra là đảm bảo giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới. Nhưng cũng chỉ sau phiên đấu thầu vàng đầu tiên, chính ông Huy lại phát biểu: Mục đích bình ổn thị trường của NHNN là đảm bảo cung cầu chứ không bình ổn về giá. 

Qua 9 phiên đấu thầu NHNN đã lãi hơn 100 tỷ đồng và cũng theo NHNN toàn bộ số lãi đã được nộp vào ngân sách Nhà nước. Vậy nếu mục đích độc quyền xuất nhập khẩu vàng để kiếm lợi nhuận thì bằng việc bán vàng ra thị trường trong nước NHNN đã thành công. Nhưng cũng theo NHNN, lợi nhuận không phải là mục tiêu của các biện pháp điều hành thị trường vàng. Bình ổn thị trường, chống vàng hóa nền tài chính và đưa số vàng dự trữ trong dân cỡ trên 500 tấn vào vòng quay vốn là mục tiêu tối cao của các biện pháp điều hành thị trường vàng. Soi vào các mục tiêu đó, vai trò hiện nay của NHNN trên thị trường là không thích hợp. 

Thứ nhất là người mua bán cuối cùng và sử dụng vàng dự trữ quốc gia, NHNN phải bảo toàn vốn vì vậy không thể bán vàng dưới giá thị trường và vì vậy bỗng nhiên giá vàng bán ra của NHNN lại là giá cơ sở của thị trường. Vậy là dù muốn hay không, NHNN đã trở thành nhà kinh doanh vàng lớn nhất nước, các nhà kinh doanh vàng trong nước trở thành đại lý của NHNN. Qua các phiên đấu thầu vàng càng nhận rõ điều này. Giới kinh doanh vàng cho rằng từ khi NHNN tiến hành đấu thầu, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng mạnh bởi mức giá sàn mà cơ quan này đưa ra thay vì biến động cùng nhịp với giá thế giới. Điều này đã thể hiện rõ tại một số thời điểm khi NHNN tổ chức đấu thầu. Có thời điểm dù giá vàng thế giới rớt mạnh nhưng thị trường trong nước gần như “nín thở” chờ kết quả đấu thầu và giá chỉ giảm nhỏ giọt. Sau phiên đấu thầu giá thị trường bao giờ cũng tăng cao hơn giá bán của NHNN, nếu các tổ chức tín dụng mua vàng của NHNN bán ngay bao giờ cũng lãi lớn. Và theo logic này vĩnh viễn vàng trong nước sẽ chênh cao với giá vàng thế giới. 

Thứ hai, theo quy luật điều hành hàng hóa, giá là hệ quả của mối quan hệ cung-cầu, thông qua giá để biết thị trường biến động ra sao. Như vậy giá vàng trong nước cao như vậy chứng tỏ cung cầu bị lệch nghiêm trọng. Vậy thị trường cần bao nhiêu vàng nữa để bình ổn. Theo các nhà quan sát, khách mua vàng hiện nay chủ yếu là các tổ chức tín dụng và người dân. Các tổ chức tín dụng mua vàng để đáp ứng tất toán trạng thái vàng vào ngày 30-6 tới. Số lượng để tất toán là bao nhiêu không ai biết được. NHNN cho biết đến hết năm 2012 còn 12 ngân hàng cần mua trên 60 tấn vàng nữa.

Qua kiểm tra của NHNN, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2013 còn khoảng 10 ngân hàng chưa tất toán tài khoản kinh doanh vàng. Đó là số liệu báo cáo, thực chất số lượng vàng cần tất toán với các tài khoản nước ngoài còn rất lớn. Đó là nhận định của lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại. Vậy là dưới áp lực của chính sách, với lịch sử giao dịch vàng tài khoản nhiều năm, với những khoản vay và cho vay với thời hạn có khi lên đến 10-20 năm, bỗng nhiên phải tất toán, các khoản giao dịch vàng tài khoản biến thành vàng vật chất và nhu cầu vàng vật chất tăng vọt. Cùng với chính sách cấm nhập khẩu vàng có thể nói, đó chính là nguyên nhân quan trọng đẩy thị trường vàng vào tình trạng khủng hoảng.

Thứ ba, đối với người dân, tình trạng trì trệ của nền kinh tế, sự bất ổn của các kênh đầu tư, kể cả gửi ngân hàng, giữ vàng vẫn là biện pháp được lựa chọn để bảo toàn số tiền dự trữ ít ỏi của mình. Điều này lý giải hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng khi giá xuống mặc dù chênh lệch so với giá thế giới rất cao. Sau một thời gian dài loay hoay với hàng loạt chính sách về vàng với bao lời hứa hẹn tốt đẹp, chỉ thấy những bất ổn của nền kinh tế và mục đích đưa vàng dự trữ vào vòng quay vốn càng xa vời hơn.

Dư luận vẫn đặt một câu hỏi lớn, rất lớn, là vàng đã đi đâu? Sao nguồn vàng không quay lại thị trường khiến tình trạng thiếu cung căng thẳng suốt thời gian qua? Thanh tra thị trường vàng có thể tìm thấy những góc khuất này chăng? 

Giá vàng có bình ổn được không?

Thị trường vàng trong suốt 2 năm qua luôn trong tình trạng hỗn loạn. NHNN lúc thì bảo là phải thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, lúc lại bảo không đặt ra vấn đề liên thông. Và gần đây NHNN lại cho rằng chỉ đặt ra vấn đề bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Nhiều người thắc mắc là giá cả và thị trường luôn đi liền cùng nhau, không thể tách rời. Nếu không liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới chắc chắn sẽ gây ra sự độc quyền. Và hậu quả trước mắt có thể nhìn thấy là giá vàng luôn đứng cao hơn giá vàng thế giới, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho thị trường. Cũng có ý kiến cho rằng: Trên thế giới chưa có ngân hàng nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Trong khi tại Việt Nam, NHNN lại kiêm tất cả vai trò này, NHNN trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà đã là kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích.  

Đi tìm câu trả lời cho cách làm của NHNN, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Mục tiêu của đấu thầu vàng, thứ nhất NHNN là người cung cấp duy nhất vàng miếng cho toàn bộ thị trường Việt Nam, mà cụ thể là vàng miếng SJC. Thứ hai là rút hẹp khoảng cách so với thế giới. Về mặt nguyên tắc cách làm của NHNN là đúng. Tuy nhiên lý do tuần qua giá chênh trong nước và thế giới quá lớn là do giá vàng thế giới đột ngột giảm quá nhanh, giá vàng trong nước có điều chỉnh giảm xuống nhưng không kịp. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng: “Cách làm của NHNN hiện nay là đúng. NHNN tăng cung sẽ bình ổn được thị trường. Bởi xét về dài hạn, khi các tổ chức tín dụng thực hiện xong việc tất toán tài khoản, cung vượt cầu trên thị trường thì giá vàng trong nước ắt hẳn sẽ phải giảm xuống để bám sát nhịp điệu của giá vàng thế giới. 

Tại lễ ký kết Hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng của NHNN với Công ty SJC, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cũng khẳng định: “Chắc chắn sau ngày 30-6 mức chênh lệch sẽ giảm, không loại trừ khả năng lúc đó NHNN sẽ mua vào, để đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nếu điều kiện thị trường cho phép. NHNN dự thảo khung pháp lý hai chiều, trong đó, NHNN có thể tham gia thị trường theo hai vai cả mua lẫn bán”.