Vân vi trò chơi con trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã có những thời kỳ trò chơi và đồ chơi trẻ con luôn phong phú hơn người lớn. Tiếc thay, đó lại là những lúc đất nước có chiến tranh. Thành phần duy nhất được phép chơi chỉ là trẻ con mà thôi.
Lũ trẻ say mê với trò làm diều thả vút lên trời những ngày cả gió

Lũ trẻ say mê với trò làm diều thả vút lên trời những ngày cả gió

Hướng tới tính cộng đồng

Nhìn lướt qua trò chơi và đồ chơi của trẻ con qua 3 thế hệ gần đây nhất thấy những biến chuyển rõ nét. Chẳng vui cũng không buồn. Nuối tiếc một vài thứ, nhưng cũng vân vi nghĩ ngợi. Trò chơi và đồ chơi của bất kì thế hệ nào cũng đều không phải do trẻ con tự nghĩ ra được. Nếu không kế thừa trò cũ của lớp cha anh, thì cũng là cùng họ hoàn thiện thêm trò chơi ấy.

Hơn nửa thế kỷ trước, nghĩa là lũ trẻ lúc ấy giờ đã thành những ông nội, bà ngoại ở phố rồi. Do có cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà lũ trẻ ở phố thập kỷ 60 phải đi sơ tán về các vùng quê xa Hà Nội. Với chúng thì những gian khổ phải chịu đựng chẳng thấm tháp gì so với được sống trong một thiên nhiên thoáng rộng và vô cùng kỳ thú. Và hơn nữa, chúng được tiếp cận với rất nhiều trò chơi ở làng không kém phần hấp dẫn. Về quê có trò chơi đánh đáo lỗ.

Lũ trẻ sơ tán say mê với trò làm diều thả vút lên trời những ngày cả gió. Những trò chơi khác không kém phần hấp dẫn lũ trẻ phố chính là câu cá, bắn chim, mò cua bắt ốc. Loay hoay ở phố những năm ấy vẫn chỉ có những trò chơi và đồ chơi khá cũ kỹ của nhiều thế hệ trẻ con. Đánh khăng, đánh bi, đá cầu chinh, chơi trốn tìm, nhảy dây, chơi ô ăn quan, chơi chôn kim và đánh cờ chân chó…

Lũ trẻ hết sơ tán mang về thêm biết bao nhiêu là trò thú vị, nhưng chỉ được ít lâu hầu hết những trò này đều bị phụ huynh cấm ngặt. Làm chiếc diều ra bờ đê sông Hồng để trốn ngủ trưa là điều chẳng có phụ huynh nào ủng hộ. Đánh đáo bằng đồng xu ăn tiền thì không chỉ phụ huynh cho nhừ đòn mà nếu công an nhìn thấy cũng phải lên đồn viết bản kiểm điểm cả ngày. Bơi lội sông hồ cũng là việc các phụ huynh ở phố cấm ngặt.

Câu tục ngữ cổ “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo” hoàn toàn vô nghĩa ở phố. Người lớn cấm cả hai. Tất nhiên toàn bộ trò chơi và đồ chơi lúc ấy còn mang tính cộng đồng rất cao. Nghĩa là trẻ con sẽ chơi khi có bạn. Rất ít trò có thể chơi một mình. Đồ chơi yêu thích nhất của chúng là những món đồ tự làm. Con trai nhặt đá đường tàu về xoáy hòn bi đá cả tháng trời mới thành công. Con gái ngồi tỉ mẩn đan chiếc áo cho búp bê pha 7 màu len rực rỡ. Thêu thùa vá may của con gái hay chế súng lục bắn diêm của con trai cũng đều phải mang ra thi thố đua chen ngoài đường phố…

Những trò chơi của ngày xưa đến giờ hầu như chẳng còn giữ lại được gì

Những trò chơi của ngày xưa đến giờ hầu như chẳng còn giữ lại được gì

Tuổi thơ… không dữ dội

Những trò chơi của ngày xưa đến giờ hầu như chẳng còn giữ lại được gì. Trẻ gái không thấy chơi chuyền, chơi ô ăn quan, trẻ trai không đứa nào còn biết đá cầu nữa. Chúng chơi nhiều món đồ chơi mua sẵn. Máy bay, tàu hỏa chuyển động có điều khiển nhập từ nước ngoài. Đồ chơi thủ công cắt giấy, vẽ hình mua sẵn kèm theo bản hướng dẫn. Còn rất ít trò chơi tập thể. Và nó chỉ diễn ra trong giờ nghỉ giải lao trên lớp học. Tất cả những trò chơi trên phố vắng bóng dần rồi mất hẳn.

Người lớn không cấm, nhưng toàn bộ sân chơi là các vỉa hè trên phố đã bị chiếm dụng cho cuộc mưu sinh gấp ruổi phố phường. Thực ra là người lớn đã cướp mất của lũ trẻ cái sân chơi dài vô tận là các vỉa hè thành phố. Không còn sân chơi, lũ trẻ dĩ nhiên không có bạn chơi ở nhà sau giờ đến trường. Chúng bắt đầu mất đi khái niệm bạn bè, hàng xóm, dù hàng xóm ở đâu cũng có. Mất đi những mối quan hệ bạn bè chính là mất đi một môi trường rèn luyện kĩ năng sống hết sức quan trọng.

Đến lớp trẻ con bây giờ còn tệ hơn. Chúng gần như chẳng có trò chơi gì ngoài cái máy tính bảng, tivi hay điện thoại thông minh. Mọi trò chơi và sinh hoạt hàng ngày đều chỉ có một mình. Đứa thì cắm cúi vẽ tranh, tô màu. Đứa học đàn piano có cô giáo đến tận nhà hướng dẫn. Đứa lại lúi húi ngồi xoay con rubic. Đó vẫn còn là những trò chơi có vận động. Phần lớn còn lại cắm cúi với trò chơi điện tử trên internet. Giao tiếp của chúng hoàn toàn là ảo. Những giao tiếp xã hội thật sự của chúng, phụ huynh đều phải bỏ tiền ra mua.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Đại khái đi học thêm văn hóa hay các môn nghệ thuật và thể thao đều như thế cả. Ở Hà Nội mà nhiều đứa không biết con sông Hồng nằm ở đâu, hồ Hoàn Kiếm với chúng chỉ như một cái bể bơi to toàn nước. Chúng không hề biết những gì xảy ra dưới nước ngoài việc sách vở tả con ba ba khổng lồ và đặt cho nó một cái tên trang trọng là “Cụ rùa”. Lâu dần, lũ trẻ thế hệ này còn không có cả nhu cầu tìm hiểu bất cứ thứ gì của cuộc sống thực. Tất cả đều xem trên mạng, thích đồ ăn fast food. Đã có đứa làm văn tả “con gà nhà em da trắng mắt tròn sống trong tủ lạnh…”. Hoặc “ông nội em là bộ đội bị thương 2 lần trong chiến đấu. Một ở Buôn Mê Thuột và một ở đùi…”. Hoặc “cạnh nhà em có bác thương binh cụt đầu, bác rất hay nhổ nước bọt…”.

Tất nhiên, làm cho cả một thế hệ trẻ gần như không có nhu cầu tìm hiểu cuộc sống thực là lỗi của thế hệ trước. Và cũng tất nhiên, lỗi này không chỉ nằm ở phạm vi quy mô nhỏ trong từng gia đình.

Tin đọc nhiều