Văn Thọ - người đương thời nổi tiếng

ANTĐ - Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thọ sinh năm 1933. Đến năm Nhâm Thìn 2012 ông đã bước vào tuổi 80 và tự mừng thọ cho mình bằng một triển lãm ảnh mang tên "Nét đẹp Người Phụ nữ Việt Nam", với trên 100 chân dung được phóng cỡ lớn, thực hiện trên chất liệu lamilage. Sau khi cuộc triển lãm kết thúc, ông trao tặng toàn bộ cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời vừa ra mắt cuốn sách ảnh cùng tên.

Nét đẹp Người Phụ nữ Việt Nam 2012 là cuộc triển lãm thứ 10 và 5 cuốn sách ảnh được xuất bản mang tên: "Người đương thời" (NXB Thông Tấn, 2003); "Trái tim người thầy" (Hai tập, NXB Thông Tấn); "Nét đẹp Người Phụ nữ Việt Nam" (NXB Thông Tấn - 2010) và "Nét đẹp người phụ nữ Việt Nam" (Tập II, NXB Thông Tấn - 2012).

Những thành tựu có được trên đây là thành quả lao động nghệ thuật trong suốt 20 năm, sau khi Nhà nước cho nghỉ chế độ ở tuổi 60. Với Văn Thọ  càng lao động có hiệu quả hơn, rực rỡ hơn. Để có được khối lượng ảnh trong 10 cuộc triển lãm và 5 cuốn sách ảnh đã và đang xuất bản nói trên, ông đã đặt chân đến mọi miền đất nước, từ Lũng Cú - Hà Giang đến Cà Mau - vùng tận cùng đất Mũi của Tổ quốc để ghi chép với số lượng trên 600 ảnh chân dung những nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực:

Chính trị, Quân sự, Kinh tế, Văn hóa - Khoa học, Văn nghệ sĩ và hàng trăm tác phẩm ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt; đặc biệt là ông chú tâm khai thác nét đẹp người phụ nữ Việt Nam, tôn vinh  những con người cực kỳ nổi tiếng, anh hùng và quả cảm, sáng tạo trên các lĩnh vực, như Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; như Nữ tướng Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định, như các Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan; như Võ Thị Thắng, Tôn Nữ Thị Ninh, Chu Thúy Quỳnh, Tường Vi... Các giáo sư tiến sĩ, viện sĩ như Trần Văn Giàu, Nguyễn Lân, Đinh Xuân Lâm, Hoàng Như Mai, Nguyễn Cảnh Toàn, Vũ Tuyên Hoàng, Hà Học Trạc, Đình Quang, Nguyễn Văn Hiệu, Tôn Thất Bách, Nguyễn Tài Thu, Võ Quý, Võ Tòng Xuân; Các nhà khoa học nữ đoạt giải Kovalepxkaia như các Nguyễn Thị Anh Nhân, Kiều Nhi, Ngọc Phượng, Lê Thị Thúy, Thái Hương, nhà tạo mẫu Lan Hương.... Các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Tô Hoài, Đào Mộng Long, Trần Hoàn, Trọng Bằng, Hoàng Vân, Vũ Năng An, Nguyên Ngọc, Phó Đức Phương; và Văn Thọ đã giữ lại vĩnh viễn những nhân vật khả kính đã lần lượt ra đi như: Trần Văn Giàu, Đào Mộng Long, Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Thị Định, Hà Học Trạc, Vũ Năng An, Tôn Thất Bách và giáo sư Nguyễn Lân sau khi Văn Thọ chụp xong chỉ một tuần sau, cụ đã trong cõi vĩnh hằng!

Triển lãm ảnh "Nét đẹp người phụ nữ Việt Nam" lần 2 sau khi trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh, còn được triển lãm tiếp tại các tỉnh: Bến Tre, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế,... trước khi trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Có người cho rằng từ ngày Văn Thọ đi vào con đường khai thác “Người đương thời”, ông có nhiều "lộc" hơn! Đâu có. Lần thứ nhất tổ chức triển lãm và in sách ảnh, đa số các nhân vật chỉ hoan nghênh bằng tinh thần mà không có nhiều người hỗ trợ. Mỗi cuộc triển lãm chỉ có vài ba chủ doanh nghiệp nhưng Văn Thọ cũng không ngỏ ý xin tài trợ. Lần đầu ra quân tuy bị "lõm" nhưng tác giả vẫn kiên trì, tiếp tục thực hiện cho đến hôm nay. Cuộc tiếp theo Văn Thọ lại nghĩ ra chủ trương bán ảnh và cũng thu được khoản tiền 50 triệu đồng. Số tiền này tác giả đã ủng hộ toàn bộ cho quỹ chất độc màu da cam của Thông tấn xã Việt Nam.

Cuộc triển lãm "Nét đẹp người phụ nữ Việt Nam" năm 2010 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám,  các đồng chí: Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước), Nguyễn Thị Doan (Phó chủ tịch nước) đã cắt băng khai mạc và được dư luận người xem đánh giá cao. Năm 2011, Văn Thọ - chàng trai trên quê hương Phù Đổng mở cuộc triển lãm khi quê hương được UNESCO thế giới phong tặng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Triển lãm kết thúc, ông tặng lại toàn bộ tác phẩm cho quê hương. Tấm lòng Văn Thọ là thế!

Lại cũng có người cho rằng Triển lãm ảnh của Văn Thọ ít có giá trị nghệ thuật! Tác giả không phản đối bởi vì ông không đặt ra tiêu chí nghệ thuật; mặc dù ông cũng đã từng được Giải Nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật ở trong nước, đoạt giải thưởng ở Mỹ, ở tây Ban Nha và cũng đã đôi lần nhận giải thưởng ảnh nghệ thuật xuất sắc quốc gia, được tặng Huy chương Đồng trong triển lãm Ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23 - 2004.

Nếu lấy tiêu chí nghệ thuật làm chủ đạo thì không chỉ riêng Văn Thọ mà những nhà nhiếp ảnh nhiều tài năng và nổi tiếng cũng khó có thể thực hiện được bởi ảnh chân dung nghệ thuật đòi hỏi tác giả phải hiểu và nhập "thần" vào nội tâm nhân vật, rồi phải có tài đạo diễn để "móc" nội tâm nhân vật ra bề ngoài, rồi bấm máy đúng lúc, giữ cho được cái "khoảnh khắc vàng" ấy vào trong khuôn hình ống kính của mình ...

Ở Văn Thọ, cái được lớn nhất là có trong tay trên 600 chân dung “Người đương thời”. Mỗi nhân vật chỉ cần vài dòng trích ngang cho chính xác cũng thật hữu ích cho những ai có ý định nghiên cứu về con người ấy.

Cách đây vừa tròn 10 năm, sau khi xem xong triển lãm ảnh "Người đương thời" Giáo sư Viện sỹ, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Vũ Khiêu đã  đề tặng nghệ sĩ Văn Thọ như sau:

Bốn chục tuổi nghề, thâu tóm tình đời trong chớp mắt
Bẩy mươi xuân Thọ hiến dâng thành phẩm tự con tim!

Những gì Văn Thọ đã làm trong những năm qua, thiết tưởng ông cũng được nhiều người yêu quý tôn vinh là "Người đương thời" nổi tiếng!