Vận tải xe khách nguy cơ phá sản, Sở Giao thông Hà Nội kiến nghị giải pháp cứu nguy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện.

Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội nhiều cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sở GTVT Hà Nội cho biết đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021; đồng thời hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

"Chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn. Có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phòng, chống dịch Covid-19 cho các đơn vị vận tải (phun khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn trên xe, khẩu trang, dán bổ sung các thông tin phòng, chống dịch…);

Chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe thực hiện việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra, vào bến và các khoản chi phí khác cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến xe", Sở GTVT Hà Nội kiến nghị.

Vận tải khách đường bộ bằng ô tô gặp khó khăn nặng nề do Covid-19

Vận tải khách đường bộ bằng ô tô gặp khó khăn nặng nề do Covid-19

Cùng đó, Sở này cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội đề nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện; đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sản lượng xe buýt trong tháng 5/2021 tiếp tục giảm sâu (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4/2021). Doanh thu tháng 5/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021.

Xe buýt sụt giảm mạnh về lượng khách, chỉ đạt chưa đầy 50% so với kế hoạch đấu thầu

Xe buýt sụt giảm mạnh về lượng khách, chỉ đạt chưa đầy 50% so với kế hoạch đấu thầu

Sở GTVT Hà Nội nhận định, việc sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút.

Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn như: lãi vay ngân hàng, thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán gây ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm với Sở GTVT Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị có cơ chế hỗ trợ vận tải xe khách vượt qua khó khăn.

Theo đó, văn bản của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, qua trao đổi, đánh giá, nhận định từ các Hiệp hội thành viên, đối với hoạt động vận chuyển hành khách, do phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp chống dịch, đặc biệt thực hiện quy định xe khách nếu được hoạt động thì số lượng hành khách được phép chở trên xe tối đa không quá 50% số ghế thiết kế; chi phí phát sinh do phải trang bị khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn toàn bộ trên xe.., nên xe khách chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là trên 50%. Xe taxi chỉ chạy khoảng 20-30%, số km của xe hoạt động chỉ từ 100-150km/ngày (so với trước dịch bình quân trên 300km/ngày), số xe 'đắp chiếu' là 70-80%. Xe buýt có sản lượng và doanh thu ước đạt 45-50% so với trước dịch.

“Sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách trong 6 tháng của năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch. Dù có doanh thu thì vẫn lỗ rất nặng vì chi phí cho những xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn tăng lên do giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng đồng thời tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh,” ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội cho hay.

Do vậy, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn hiện nay.