Vẫn quyết tâm thu phí ATM nội mạng

ANTĐ - Hội Thẻ Việt Nam vừa thống nhất sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho thu phí giao dịch ATM nội mạng, bao gồm phí rút tiền và phí chuyển khoản nội mạng. Về phía người sử dụng cũng có nhiều ý kiến, đa số cho rằng việc thu phí là bất hợp lý.

Việc thu phí ATM nội mạng chưa nhận được sự đồng tình từ phía người sử dụng

Lại đề xuất

Theo kết quả cuộc họp Ban chấp hành Hội Thẻ Việt Nam, việc thu phí giao dịch ATM nội mạng dựa trên đề xuất của các ngân hàng thành viên. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) được giao chủ trì dự thảo văn bản kiến nghị thu phí, trong đó phân tích thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ ATM của các ngân hàng hiện nay, chi phí và doanh thu, lý do và áp lực phải thu phí, có lộ trình cụ thể.

Giám đốc Trung tâm thẻ của một ngân hàng thương mại cho biết, theo văn bản kiến nghị, việc thu phí giao dịch ATM nội mạng sẽ bao gồm cả khoản phí rút tiền và phí chuyển khoản. Thực tế hoạt động thẻ cho thấy đa số các ngân hàng đều bị lỗ khi kinh doanh thẻ. Chi phí cho một cây ATM là khá lớn, đơn cử như việc có một địa điểm đặt máy thuận tiện cho người rút tiền chi phí tới cả chục triệu đồng. Cùng với đó là chi phí bảo trì, bảo dưỡng, chi phí nhân công tiếp tiền… 

“Để vận hành mạng lưới ATM phủ khắp các tỉnh, thành các ngân hàng phải để một lượng tiền mặt rất lớn tại các ATM cũng như để dự trữ cho tiếp quỹ. Trong khi đó việc huy động vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Khoản tiền của khách hàng trong tài khoản cũng được trả lãi. Do đó, tiến tới thu phí rút tiền và chuyển khoản nội mạng là hợp lý để chúng tôi có thể duy trì tốt hoạt động cũng như mở rộng đầu tư, nâng cấp dịch vụ” - ông này nói. 

Qua nhiều lần đề nghị nhưng đến nay việc thu phí giao dịch nội mạng vẫn chưa được thông qua. Mặc dù chưa thu được phí giao dịch nội mạng nhưng một số ngân hàng đã thu nhiều loại phí như phí phát hành thẻ, phí cấp lại thẻ, phí quản lý tài khoản… Một trong những ngân hàng lớn cũng đã tiến hành thu phí quản lý tài khoản thẻ với mức 3.300 đồng/tháng và phí chuyển khoản nội mạng với mức tương tự. 

Khó thuyết phục

Chị Trần Thu Vân - công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long phàn nàn: “Thu nhập của công nhân chúng tôi rất thấp, người thấp chỉ được 1,5 triệu đồng, người cao cũng chưa đến 4 triệu đồng mỗi tháng. Ngân hàng trả lương đã áp dụng khoản phí quản lý thẻ là 3.300 đồng tôi thấy không công bằng vì sau khi rút tiền để chi tiêu thì trong tài khoản thẻ còn lại số tiền không đáng kể mà vẫn chịu phí trên. Nếu tiếp theo ngân hàng thu cả phí rút tiền thì chúng tôi có thể sẽ kiến nghị công ty trả lương trực tiếp”. 

Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Tiến Mạnh, đồng nghiệp của chị Vân cũng cho rằng: “Thực ra tôi cũng không muốn nhận lương qua thẻ, nhưng đây là cách làm của công ty phối hợp với phía ngân hàng nên cũng không biết làm thế nào. Mỗi tháng khi có lương chúng tôi phải xếp hàng dài mới rút được tiền, nhiều khi phải chờ cả giờ, nếu không muốn chờ lại phải đi rút tại những cây ATM cách công ty cả chục cây số. Đó là chưa kể nhiều lần máy ATM trục trặc khiến việc rút tiền gặp khó khăn. Vậy mà ngân hàng còn đòi thu phí thì thực sự rất khó thuyết phục”.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đồng tình với việc thu phí nội mạng nhưng phải đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ. Anh Hữu Hiếu - nhân viên công ty chuyên về phần mềm nói: “Sử dụng thẻ ATM cũng có nhiều tiện lợi, việc thanh toán qua thẻ cũng đang phát triển. Nếu ngân hàng thu phí thì cũng phải cung cấp các dịch vụ tiện ích, đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu rút tiền một cách thuận lợi”.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thu phí nội mạng là một thiệt thòi cho những người lao động nhận lương qua thẻ đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Nếu các ngân hàng được chấp thuận thu phí thì việc người dân quay lại sử dụng tiền mặt để thanh toán, cũng như hạn chế việc chuyển tiền vào tài khoản thẻ để quản lý dự trữ vì không thấy sinh lời mà còn chịu nhiều loại phí từ ngân hàng là điều khó tránh khỏi.