Vẫn nợ đọng văn bản

ANTĐ - Tính đến ngày 17-3, các bộ, ngành còn nợ 70/90 văn bản theo kế hoạch phải hoàn thành, chiếm 77,78%. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết chưa có chuyển biến. Tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản gia tăng, chất lượng một số văn bản chưa cao. Chính vì vậy, tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi: “Nợ xấu có các cấp độ, đến cấp độ 5 coi như không trả được, còn nợ xấu văn bản ở cấp độ mấy?”.

Giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng là do các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản. Nhiều nơi chưa quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành văn bản chi tiết. Thủ tướng nhấn mạnh, đến quý II năm nay cố gắng để không tái diễn tình trạng không có chuyển biến hoặc chưa có chuyển biến trong đánh giá về công tác này. Trong quý II này, các bộ phải trình Chính phủ cho ý kiến về 12 dự thảo luật, pháp lệnh.

Cuối năm 2013, tình hình nợ xấu văn bản đã có chuyển biến nhưng so với yêu cầu vẫn còn thấp. Trong quý I năm nay, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần ban hành 90 văn bản quy định chi tiết, trong đó có 58 văn bản nợ đọng từ năm 2013 chuyển sang và 32 văn bản mới phát sinh. Kết quả, tính đến giữa tháng 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành được 13/44 văn bản, đạt 29,55%, còn 31 văn bản chưa được ban hành, chiếm 70,45%. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng văn bản ở các bộ, ngành khá nặng nề, mới ban hành được 7/46 văn bản, đạt 15,22%, trong khi còn tới 39 văn bản chưa được ban hành, chiếm đến 84,78%. Một số bộ trưởng đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh cần chia sẻ trách nhiệm để giãn khoảng cách nợ văn bản. Tức là trong xây dựng luật cần hạn chế nội dung Chính phủ quy định. Theo Thủ tướng Chính phủ, luật quy định chi tiết đến mức không cần văn bản hướng dẫn là bất cập, vì cuộc sống luôn vận động, đòi hỏi sự linh hoạt trong vận dụng và Chính phủ điều hành cụ thể hóa việc thực thi luật bằng các văn bản hướng dẫn dưới luật.

Quốc hội thường xuyên yêu cầu Chính phủ, các bộ cần đảm bảo được chất lượng, tính khả thi của các dự thảo luật, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là tình trạng luật ra đời chờ nghị định, thông tin. Nợ đọng, nợ xấu văn bản cũng đáng lo ngại như nợ xấu của nền kinh tế.