Vẫn mướt mồ hôi chen chân ở bệnh viện

ANTĐ - Ngành y tế đã tỏ rõ quyết tâm trong việc giảm tải bệnh viện, nhiều thông điệp của người đứng đầu ngành Y được đưa ra, đồng thời cũng đã có nhiều quyết định quan trọng với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân như: Tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh, tăng đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực, xây dựng các đề án phục vụ việc giảm tải bệnh viện… Tuy nhiên qua, khảo sát tại các bệnh viện ở Hà Nội, mới thấy tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện vẫn diễn ra ở mức trầm trọng. Mặc dù đã có những tin hiệu khả quan nhưng dường như mục tiêu giảm tải tại các bệnh viện vẫn còn quá xa vời.

Ảnh Internet

Đã có tín hiệu khả quan

Khoảng 8h, khu vực đón tiếp bệnh nhân của BV Bạch Mai – một trong những bệnh viện vốn nhức nhối về tình trạng quá tải, không còn cảnh xếp hàng dài chen chúc nữa. Tuy nhiên vì số người quá đông và chỗ ngồi có hạn nên nhiều người vẫn phải ngồi la liệt xuống nền gạch, gầm cầu thang… Tại các phòng khám, bệnh nhân cũng khá đông nhưng không mấy lộn xộn. 9h30, bà Đỗ Thị Liên (Quảng Ninh), một bệnh nhân huyết áp cao khám định kỳ hàng tháng ở đây đã hoàn thành xong việc khám và đang ngồi chờ trước cửa quầy mua thuốc. Bà cho biết, do ở xa nên bà phải đi xe khách từ 4h ở nhà và lên xếp hàng lấy số từ 7h30. Vài tháng trở lại đây, một phần bà thường đi khám vào cuối tuần cũng bớt đông hơn, nhưng theo cảm nhận của bà nhìn chung việc làm các thủ tục và khám có phần nhanh hơn trước.

Tương tự chị Lê Thị Diệp (Hà Nam) đưa người nhà đi khám cũng phải đi từ hôm trước để có mặt ở viện từ 5h30 sáng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời gian qua bệnh viện đã có nhiều nỗ lực để có chất lượng phục vụ, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

Cụ thể là bệnh viện đã đầu tư khoảng 20 tỷ để sửa chữa khoa Khám bệnh, nâng số phòng khám lên gấp đôi thành 60 phòng, trang bị toàn bộ hệ thống điều hòa đến các buồng khám, nơi ngồi chờ của bệnh nhân cũng được sửa chữa khang trang, sạch sẽ hơn. “Chi phí đầu tư nâng cấp bệnh viện không nhiều, nhưng chúng tôi đã nhấn mạnh vào việc cải cách lề lối làm việc như: Điều cán bộ nhân viên đến làm việc phục vụ bệnh nhân từ 6h30, tăng cường đến 30 kênh đón tiếp… để giảm tối đa thời gian bệnh nhân phải chờ đợi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu để kết nối, trao đổi dữ liệu, tiết kiệm tối đa thời gian. Thêm vào đó là giáo dục quan điểm của nhân viên, phải coi bệnh nhân là trung tâm để phục vụ. Thời gian gần đây đã đạt được nhiều tiến bộ, dù lượng bệnh nhân đến khám vẫn rất đông, trung bình một ngày bệnh viện tiếp khoảng 2.200-2.500 bệnh nhân, nhưng số giờ chờ đợi khám của người bệnh đã giảm nhiều, tuyệt đối không còn bệnh nhân phải hẹn đến ngày hôm sau. Các bác sĩ được yêu cầu đi khám sớm hơn và chỉ kết thúc khi không còn bệnh nhân nào.” - ông Hiền cho biết. 

Nhiều nơi vẫn quá tải trầm trọng

Bệnh viện K đã có nhiều thay đổi để phục vụ bệnh nhân tốt hơn nhưng là một bệnh viện đầu ngành về ung bướu nên  số lượng bệnh nhân tới bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải trầm trọng. Anh Nguyễn Văn Hiện (Tuyên Quang) đưa vợ đi khám ở đây cho biết: “Vợ tôi có cái hạch ở cổ, lo bị ung thư nên xuống đây khám. Đi từ 3h sáng hôm qua từ trên Tuyên Quang xuống đây là 7h nhưng làm thủ tục gì cũng lâu, cũng chen chúc. Tôi đưa vợ đi làm các xét nghiệm hết cả ngày hôm qua nhưng bác sĩ hẹn sáng nay mới lấy nốt kết quả xét nghiệm tế bào và đọc kết quả, vì vậy phải thuê nhà trọ mất 150.000 đồng”.

Nhiều bệnh nhân cũng có cùng tâm sự với anh Hiện, họ cho biết đã xuống bệnh viện này là mang theo vô vàn lo lắng, tuy nhiên khi đi khám bệnh lại gặp quá nhiều phiền phức do số lượng bệnh nhân đông, lại không nhận được sự chia sẻ của nhân viên y tế. Được biết, cuối tháng 8 vừa rồi, Bệnh viện K cũng khánh thành giai đoạn 1 cơ sở tại Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội với 300 giường bệnh nhằm giảm tải cho cơ sở 1 ở Quán Sứ và cơ sở 2 ở Tam Hiệp, Thanh Trì. Bệnh viện này cũng là một trong số 9 bệnh viện tuyến Trung ương được ưu tiên đầu tư các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đến năm 2015 - 2020, số giường bổ sung dự kiến là 1.000 giường đến năm 2013. Hy vọng đây sẽ là tín hiệu tốt hơn trong việc giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân, tuy nhiên, đó vẫn là những mục tiêu ở phía trước, còn trước mắt thì người bệnh vẫn đang phải chịu đựng muôn vàn khó khăn.

Tình trạng quá tải cũng đang diễn ra bức xúc tại một số bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức… BV Nhi Trung ương, những ngày giao mùa này số lượng bệnh nhi tăng đột biến. Ngay tại phòng đăng ký khám dịch vụ, người cũng ken đặc. Ở các phòng khám, nhất là phòng khám về hô hấp, không khí ngột ngạt vì số người chờ đợi quá nhiều, nhiều gia đình mệt mỏi vì chờ đợi. Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Phụ sản Hà Nội thời điểm này cũng quá tải trầm trọng do nhiều trẻ được sinh ra trong năm Nhâm Thìn, đồng thời số ca vượt tuyến cũng tăng nhiều. Nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh cho biết do gần đây có quá nhiều ca tai biến sản khoa, họ không yên tâm khi sinh nở ở tuyến dưới nên phải chuyển lên tuyến Trung ương.

Còn tại khoa Khám bệnh, tình trạng cũng không khá hơn, nhiều thai phụ và người nhà chen chúc chờ đợi. Thậm chí ở phòng khám dịch vụ 56 Hai Bà Trưng vào buổi sáng không hôm nào không phải chen chúc. Các bãi gửi xe quanh viện tầm 10h sáng đã dựng biển Hết chỗ. PGS.TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: Số ca khám bệnh, sinh tại bệnh viện năm nay tăng khoảng 30%. Các năm trước, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 60-70 ca, bây giờ là 140-150 ca/ngày, số ca đẻ mỗi ngày là hơn 100. 50% số ca vào khám bệnh, điều trị và đẻ tại bệnh viện là vượt tuyến, công suất giường bệnh tăng 100%, hầu như đều phải nằm đôi, nằm ba”. Được biết trong thời gian tới, hai bệnh viện Phụ sản lớn ở Hà Nội sẽ thực hiện việc hạn chế bệnh nhân vượt tuyết nhằm giảm tải.

2015 sẽ hết cảnh nằm ghép

Hiện nay hầu hết các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tại các thành phố lớn cơ sở hạ tầng đều không đáp ứng tiêu chuẩn để ra. Công suất sử dụng dường bệnh ít cải thiện mà có xu hướng ngày càng tăng: Bệnh viện K (249%), BV Bạch Mai (168%), bệnh viện Chợ Rẫy (154%)… Trước thực trạng đó trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện, Bộ Y tế đã xây dựng đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2012-2020 đang trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 cơ bản không còn tình trạng nằm ghép và mỗi bác sĩ cũng không khám quá 50 người bệnh trong 8 giờ làm việc. Đề án cũng đề ra chỉ tiêu tăng tối thiểu 11.350 giường bệnh cho các bệnh viện quá tải trầm trọng tại tuyến Trung ương và 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, cũng tăng khoảng 8.000 giường ở tuyến tỉnh cho 5 chuyên khoa: ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản, nhi. Bộ Y tế khẳng định, khi đạt mức giường bệnh như trên, chắc chắn không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép mà mỗi người bệnh sẽ được nằm một giường bệnh. Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh và mạng lưới bác sĩ gia đình cũng là một trong những điểm trọng tâm của đề án. 

Có thể nói vấn đề quá tải bệnh viện chưa thực sự có nhiều chuyển biến. Nhưng với thông điệp mà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu trước cử tri cả nước: giảm tải bệnh viện luôn là mục tiêu mà ngành y tế chú trọng hàng đầu thì người bệnh vẫn có thể hy vọng. Chỉ có điều để đạt được mục tiêu mỗi bệnh nhân một giường bệnh không phải là một sớm một chiều. 

Tin cùng chuyên mục