Văn minh bệnh viện: Không thể từ một phía

ANTĐ - Không chỉ dừng ở cuộc vận động thay đổi thái độ phục vụ của y, bác sĩ mà Bộ Y tế còn đang tiếp tục hướng tới xây dựng văn minh bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp và thân thiện. Song làm thế nào để có văn minh bệnh viện và bao giờ sẽ đạt được mục tiêu này, đó là bài toán không hề đơn giản.

Văn minh bệnh viện thể hiện ngay từ văn hóa ứng xử giữa y, bác sĩ với người bệnh

Quá tải bệnh viện là rào cản lớn nhất

Qua cuộc khảo sát nhanh, độc lập của Viện Chiến lược chính sách y tế tại 10 bệnh viện trên cả nước mới đây cho thấy, có khoảng 31% bệnh nhân chưa hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên y tế, trong khi có tới 40% bệnh nhân chưa hài lòng về cơ sở vật chất của các bệnh viện.

Trao đổi về vấn đề này ngày 2-8, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo trong giai đoạn tới cần tăng cường thực hiện kế hoạch xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp - thân thiện. Theo đánh giá, một trong những rào cản lớn nhất để đạt được các mục tiêu nói trên là tình trạng quá tải, thậm chí quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến cuối vẫn chậm được khắc phục. 

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, do số lượng bệnh nhân nội trú ở các bệnh viện lớn luôn cao hơn số giường bệnh khiến một số người phải nằm hành lang, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng như tạo ra sự nhếch nhác về cảnh quan chung.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của nhiều bệnh viện chật chội, xuống cấp, khiến bức xúc giữa bệnh nhân với y, bác sĩ rất dễ xảy ra. “Bệnh viện chúng tôi yêu cầu người nhà bệnh nhân không được mang chăn chiếu, xô chậu vào phòng điều trị, nhưng khi bảo vệ chặn lại các trường hợp người nhà bệnh nhân vi phạm thì rất dễ nảy sinh xung đột” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Hay như phân tích của GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, việc bệnh viện để bệnh nhân nằm ghép giường “chẳng những không văn minh mà còn chưa đảm bảo thuận tiện cho công tác khám chữa bệnh”... 

Còn về mục tiêu xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, chỉ riêng vấn đề vệ sinh bệnh viện, nhà vệ sinh bệnh viện đã là vấn đề “thường xuyên nóng” trong nhiều năm qua và rất khó để có thể giải quyết triệt để.

“Có nhiều lý do để một số bệnh viện vẫn chưa làm tốt công tác xanh- sạch - đẹp. Ví dụ như khuôn viên chật hẹp, cơ sở vật chất chưa được nâng cấp, trang thiết bị máy móc không đồng bộ, chưa hiện đại, bố trí khoa phòng chưa hợp lý, đầu tư của nhà nước chưa tương xứng, trong khi yêu cầu đòi hỏi của người bệnh rất lớn... Bởi vậy, rất cần thiết phải có sự nhìn nhận, hiểu biết, chia sẻ và thông cảm” - ông Nguyễn Anh Trí bình luận.

Hãy bắt đầu từ văn hóa ứng xử

3 yếu tố kể trên (cơ sở hạ tầng, quá tải bệnh viện hay khó khăn trong việc thực hiện bệnh viện xanh - sạch - đẹp - thân thiện) rõ ràng đang là rào cản lớn trong việc hướng tới xây dựng các bệnh viện văn minh, song theo nhiều chuyên gia, muốn có văn minh bệnh viện trước hết hãy xuất phát từ văn hóa ứng xử trong bệnh viện.

Cụ thể ở đây là văn hóa ứng xử giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với y bác sĩ và ngược lại. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, văn minh bệnh viện chủ yếu đến từ  một phía, đó là bệnh viện, vì khi bệnh nhân và người thân đến bệnh viện đều rất trông đợi vào sự cứu chữa của bệnh viện và chỉ khi nào bệnh viện làm quá, họ mới phản ứng.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, văn hóa ứng xử của chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã phần nào tạo nên văn hóa ứng xử của các nhân viên y tế. Cụ thể, thói quen muốn được “phục vụ trước” của người bệnh đã tạo ra thói “hách dịch” của bác sĩ… 

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế Phạm Văn Tác cho rằng, sự hài lòng ở bệnh viện phải đến từ cả hai phía. “Cán bộ y tế trước hết cần xác định: Phải thấu hiểu nỗi đau của người bệnh để chia sẻ và điều trị tốt nhất. Tôi cũng mong muốn người bệnh khi vào bệnh viện nên hết sức bình tĩnh, nêu rõ những ý kiến chính đáng để cán bộ y tế hiểu và phục vụ tốt nhất”, ông Phạm Văn Tác nói.

Theo ông Phạm Văn Tác, các bệnh viện phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng phải tạo điều kiện tối đa để người dân giám sát hoạt động của cán bộ y tế. Khi người bệnh hài lòng thì uy tín bệnh viện sẽ được nâng cao, thương hiệu bệnh viện sẽ được nhiều người ghi nhận và chắn chắn bệnh viện sẽ được đánh giá xếp hạng tốt hơn. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí phân tích thêm, đối với cán bộ y tế, cần phải hiểu sâu sắc rằng người bệnh đã đưa lại cho họ tất cả những giá trị về vật chất và tinh thần. Bởi vậy, người cán bộ y tế phải yêu thương, có trách nhiệm và phải tôn trọng bệnh nhân.

Còn với bệnh nhân, người cán bộ y tế đã cứu mạng sống cho người bệnh nên cần phải tôn trọng hết mực đối với cán bộ y tế. PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để các cuộc đối thoại giữa thầy thuốc, bệnh nhân đỡ căng thẳng và giúp tăng sự hài lòng, đòi hỏi cả 2 phía phải hiểu và thông cảm với nhau.

“Vì quá tải, thầy thuốc và nhân viên y tế rất ít có thời gian để cùng đối thoại với bệnh nhân hoặc người nhà, vì vậy trước khi hỏi hay đối thoại với thầy thuốc, bệnh nhân và thân nhân nên chuẩn bị trước câu hỏi đúng trọng tâm. Về phía nhân viên y tế, phải nắm vững tâm lý của người bệnh, nắm vững tình trạng bệnh và từng giai đoạn bệnh để có thể giải thích hợp tình, hợp lý và hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể” - PGS,TS Nguyễn Hoài Nam phân tích.