Văn Miếu Quốc Tử Giám: Biển “xuống ngựa” bị tưởng nhầm là miếu thiêng các sĩ tử thi nhau vái lạy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Ngày 7 và 8/7 sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Như thường lệ, trước mỗi dịp thi cử, các sĩ tử thường đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để mong cầu đỗ đạt. Trong điều kiện phòng dịch Covid -19, di tích chưa mở cửa, từ cuối tuần qua, các sĩ tử và người nhà đã đến Văn Miếu rất đông để vái vọng và đặt lễ trước 2 tấm bia “Hạ mã” tức là “xuống ngựa”, tấm bia có tính chất như một biển báo, tương đương như biển chỉ dẫn: “Xuống xe, xuất trình giấy tờ” mà cơ quan, đơn vị nào cũng có.

Cho đến tận hôm nay, khi nhiều nhà nghiên cứu và Văn Miếu Quốc Tử Giám đã phát đi thông báo rằng hai tấm bia trước cửa Văn Miếu chỉ là tấm biển báo giao thông thời xa xưa mà hầu như di tích quan trọng nào cũng có thì các bậc phụ huynh cũng như các sĩ tử vẫn... không tin đó là sự thật.

Nhiều phụ huynh đã đưa con đến để lễ trước tấm biển "Hạ Mã", tấm biến có nghĩa là "Xuống ngựa" (ảnh Sơn Nguyễn)

Nhiều phụ huynh đã đưa con đến để lễ trước tấm biển "Hạ Mã", tấm biến có nghĩa là "Xuống ngựa" (ảnh Sơn Nguyễn)

Sáng 6/7, rất nhiều người vẫn đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để vái vọng, dù di tích đã đóng cửa. Nhiều thí sinh cầm theo đề thi để khấn vái. Nhiều phụ huynh thậm chí phẫn nộ khi lực lượng chức năng nhắc nhở, khuyến cáo không thắp hương và đặt lễ ở bia “Hạ mã”.

Bia Hạ mã đặt ở 2 đầu đường trước khi vào cổng di tích là biển báo giao thông – vốn xưa đặt trước các nơi quan trọng như phủ, miếu hay là nơi ngự của các quan cấp cao để những ai cưỡi ngựa khi nhìn thấy biển mà xuống ngựa, tỏ sự kính trọng với thần, vua, quan.

Trên trang mạng xã hội, Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng phát đi thông báo giải thích về nguồn gốc khá rõ ràng: “Hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ “Hạ mã”, có nghĩa là xuống ngựa. Bia do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Bia được đặt trong nhà che bia, bên dưới là bệ, kiến trúc nhỏ nhắn và vuông vắn rất hài hòa với toàn bộ không gian xung quanh.

Di tích Văn Miếu xưa

Di tích Văn Miếu xưa

Xưa kia, bia Hạ mã cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Bia Hạ mã được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền.

Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ. Trân trọng đề nghị các bạn chia sẻ giúp thông tin này tới bạn bè, người thân biết để có ứng xử phù hợp khi đến Di tích!”

Bia Hạ mã phía ngoài Văn Miếu

Bia Hạ mã phía ngoài Văn Miếu

Thông báo này còn được dán cùng với tấm biến khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và đặt ngay trước mỗi tấm bia. Song dường như là tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành đã át đi hết cả những phần sáng suốt còn lại. Thà lễ nhầm còn hơn bỏ sót.

Nguyễn Duy Anh (Chính Kinh, Thanh Xuân) bảo, thấy bạn bè rủ đi thì em đi và từ trước tới giờ dù đi qua rất nhiều lần nhưng cũng không biết nguồn gốc tấm bia này. Loay hoay mãi mới tìm được chỗ gửi xe, vào đến đây thì lực lượng bảo vệ không cho đặt lễ nên em thành tâm vái vọng rồi đi về.

Phùng Minh Phương (Cửa Bắc, Ba Đình) chia sẻ, hàng năm đều thấy các anh chị khóa trên, trước mỗi kỳ thi cử đều đến Văn Miếu cầu may nên em cũng theo nếp thế mà làm. Đến đây mới biết di tích đóng cửa phòng dịch từ lâu nên cũng có chút hụt hẫng. Đi lễ cho yên tâm thôi, chứ em cũng biết là chuyện học hành là do một quá trình rèn luyện chứ có phải cứ đến Văn Miếu lễ thì đều đỗ đạt hết được đâu. Phùng Minh Phương cũng kể thêm là các cậu, dì, cô ở nhà, những người thuộc thế hệ 7x đều bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc sĩ tử bây giờ trước khi đi thi là phải ra Văn Miếu lễ. “Ngày ấy các cậu, các dì em đều đỗ đại học và trước khi vào phòng thi không phải đi lễ ở đâu cả”.

Khuyến cáo của Văn Miếu Quốc Tủ Giám sáng 6/7

Khuyến cáo của Văn Miếu Quốc Tủ Giám sáng 6/7

Không chỉ có Văn Miếu Quốc Tử Giám- trường Đại học đầu tiên có đông người đến cầu đỗ đạt mà ngay cả chùa Đậu (Thường Tín), đền Ngọc Sơn hay đền Hoằng Xá (Quốc Oai)...cũng được đông đảo sĩ tử tín nhiệm trước mùa thi.

Nói cho đúng nhất thì chuyện đi lễ cầu may là chuyện xưa nay đời nào cũng có. Đó là một nét tín ngưỡng cần được tôn trọng. Tuy nhiên, chuyện đi lễ cầu may bây giờ và ngày xưa đã có nhiều thay đổi. Có mấy ai vào Văn Miếu mà chịu tìm hiểu nội dung bia đá, trên các tấm bia tiến sĩ- bảng vàng lưu danh muôn đời kia đã viết những gì để mà học tập, để vươn lên trong cuộc sống để thực sự là “nguyên khí quốc gia”.

Lực lượng chức năng túc trực và nhắc nhở, sáng 6/7

Lực lượng chức năng túc trực và nhắc nhở, sáng 6/7

Đi lễ bây giờ là đốt hương mù mịt, là tiền lẻ dắt khắp nơi. Thậm chí, sĩ tử còn leo cả qua rào để sờ đầu rùa lấy may. Chả thế mà đầu rùa đội bia đá trong Văn Miếu vì thế mà cứ bóng loáng lên. Thậm chí cái bia “Xuống ngựa” còn không chịu đọc mà phân biệt, để rồi đặt lễ và xì xụp khấn vái vì cứ tưởng là miếu thiêng.