Văn Miếu: Đã di dời bát hương đặt trái quy định ở bia Hạ mã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN -Ngày 6/7, trao đổi cùng PV Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết, hiện Văn Miếu đã cho di dời hai bát hương do người dân tự ý đặt tại bia Hạ mã. 

Từ cuối tuần qua, Trung tâm VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng của phường và quận Đống Đa duy trì ứng trực, thường xuyên nhắc nhở sĩ tử và người nhà không đặt lễ, không thắp hương sai vị trí quy định, gây mất mỹ quan đô thị, không đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông....

Hình ảnh bia Hạ Mã thời xa xưa

Hình ảnh bia Hạ Mã thời xa xưa

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Kiêu cũng phải thừa nhận “nhắc không xuể” và dù đã cố giải thích nhưng có rất nhiều người “không tin”.

Trước đó, vào năm 2020, Trung tâm VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã phải đặt một tấm biển bằng đá, khắc lịch sử của tấm bia, đồng thời khẳng định, đây hoàn toàn không phải là miếu thiêng để mà thờ cúng. Nhưng rồi vẫn không ăn thua.

Tấm bia khắc lịch sử khởi dựng cùng giải thích "không phải nơi thờ cúng" ngay trước mặt nhiều sĩ tử cùng người nhà, nhưng vẫn không ai quan tâm

Tấm bia khắc lịch sử khởi dựng cùng giải thích "không phải nơi thờ cúng" ngay trước mặt nhiều sĩ tử cùng người nhà, nhưng vẫn không ai quan tâm

Trong sáng nay 6/7, Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã hoàn tất quá trình di dời hai bát hương mà người dân đã tự ý đặt vào bên trong di tích. Đồng thời, tiếp tục đặt biển khuyến cáo để người dân được biết.

Trước đó, từ cuối tuần qua, các sĩ tử và người nhà đã đến Văn Miếu rất đông để vái vọng và đặt lễ trước 2 tấm bia “Hạ mã” tức là “xuống ngựa”, tấm bia có tính chất như một biển báo, tương đương như biển chỉ dẫn: “Xuống xe, xuất trình giấy tờ” mà cơ quan, đơn vị nào cũng có.

Khuyến cáo người dân không thắp hương nhầm chỗ, đảm bảo phòng chống dịch

Khuyến cáo người dân không thắp hương nhầm chỗ, đảm bảo phòng chống dịch

Mặc cho nhiều nhà nghiên cứu và cả, Trung tâm VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám đã phát đi thông báo rằng hai tấm bia trước cửa Văn Miếu chỉ là tấm biển báo giao thông thời xa xưa mà hầu như di tích quan trọng nào cũng có thì các bậc phụ huynh cũng như các sĩ tử vẫn... không tin đó là sự thật.

Trên trang mạng xã hội, Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng phát đi thông báo giải thích về nguồn gốc khá rõ ràng: “Hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ “Hạ mã”, có nghĩa là xuống ngựa. Bia do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Bia được đặt trong nhà che bia, bên dưới là bệ, kiến trúc nhỏ nhắn và vuông vắn rất hài hòa với toàn bộ không gian xung quanh.

Bia Hạ mã sau khi di dời bát hương được người dân tự ý đặt , ảnh chụp sáng 6/7

Bia Hạ mã sau khi di dời bát hương được người dân tự ý đặt , ảnh chụp sáng 6/7

Xưa kia, bia “ Hạ mã” cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Bia “Hạ mã” được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền. Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ. Trân trọng đề nghị các bạn chia sẻ giúp thông tin này tới bạn bè, người thân biết để có ứng xử phù hợp khi đến Di tích!”