Thi lớp 10 THPT Hà Nội:

Văn khó điểm cao, Toán ít điểm 10

(ANTĐ) - Kết thúc 2 buổi thi ngày 22-6, không nhiều nụ cười như mong đợi. Nguyên nhân là môn Văn với 2 câu hỏi đều không nằm trong “dự đoán” và nhiều thí sinh đều “đầu hàng” với 2 câu Toán để giành điểm giỏi.

Thí sinh trao đổi đáp án ngay sau khi ra khỏi phòng thi

Ôn lệch vào văn thơ cách  mạng

Đề thi Văn của Hà Nội năm nay chỉ tập trung vào 2 trên tổng số khoảng 25 tác phẩm văn thơ trong chương trình lớp 9 THCS. Nhận định ban đầu của giáo viên và học sinh thì đề thi không khó vì học sinh đều có thể dựa vào đề bài để đưa ra câu trả lời chứ không bị đánh đố hay câu hỏi “ngóc ngách”. Tuy nhiên, với đề thi năm nay, đạt điểm cao không dễ. Một trong những nguyên nhân chủ quan từ học sinh chính là việc tập trung ôn tập vào văn thơ cách mạng dựa trên cơ sở loại trừ và đoán đề thi trước ngày thi.

Phân tích thêm về khó khăn của học sinh đối với đề thi này, một giáo viên Văn trường THCS Bế Văn Đàn cho biết,  2 câu hỏi thì một câu rơi vào đầu học kỳ I, một câu rơi vào cuối học kỳ II. Như vậy thời gian ôn tập để nhắc lại 2 tác phẩm này không được tập trung nhiều như các tác phẩm khác. Giáo viên này cho biết, trong khi học sinh của cô thông báo làm thừa khá nhiều thời gian vì 2 tác phẩm này đều được ôn kỹ, không gặp khó khăn gì khi làm bài thì ở một số trường khác lại nhận được phản hồi, học sinh làm không trôi chảy. “Cái khó ở câu 1 đây là tác phẩm của tác giả người dân tộc, nhiều học sinh khá ngại tác phẩm này nếu không được giáo viên giảng dạy kỹ. Đây lại là bài thơ khá trúc trắc, được sáng tác theo thể loại thơ tự do. Muốn giảng dạy kỹ cho học sinh thì giáo viên phải tìm tòi, am hiểu về ngôn ngữ, lối sống người dân tộc để hiểu sâu xa hơn về tính nghệ thuật của tác phẩm này”.

Bên cạnh đó, đề văn cũng có câu hỏi gây tranh cãi về lời thoại của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” với yêu cầu học sinh nhận biết đây là độc thoại hay đối thoại? Với câu hỏi này, các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn cũng không thống nhất. Có người cho rằng lời thoại là lời Vũ Nương than thở với lòng mình, như vậy câu trả lời đúng ở đây sẽ là “độc thoại”. Tuy nhiên, có người cho rằng “trời” và “Thần sông” cũng có thể coi là những nhân vật để Vũ Nương than thở cùng, như vậy nếu học sinh trả lời là “đối thoại” vẫn có thể cho điểm được.

Nhiều thí sinh “đầu hàng” câu cuối môn Toán

Mặc dù thí sinh dự thi vào trường THPT Trần Phú, Việt Đức là những học sinh khá, giỏi nhưng sau giờ thi môn Toán, nét mặt các thí sinh không hồ hởi như thi môn Văn. Một thí sinh trường THCS Tây Sơn thông báo ngay cho mẹ chờ ở hội đồng thi trường THPT Việt Đức là sẽ được 9 điểm môn Toán vì bỏ mất câu d bài hình và câu 5 đại số.

Còn theo nhận xét của một số giáo viên Toán, thí sinh trung bình và chăm chỉ cũng sẽ đạt điểm như thí sinh khá bởi các câu không quá khó ngoại trừ câu 5 đại số và câu d hình học. Theo giáo viên Trần Hồng Hà, trường THCS Bế Văn Đàn, 2 câu này phải học sinh xuất sắc mới có thể giải được. Cụ thể, chỉ có 1, 2 học sinh trong lớp do thầy giáo dạy mới làm được câu này và hy vọng giành điểm tuyệt đối. Trong khi đó, phân tích về đề Toán, giáo viên trường THCS Giảng Võ cho rằng với đề thi này, độ phân hóa chưa rõ nét, mới chỉ phân biệt được học sinh xuất sắc với học sinh khá, còn học sinh trung bình và học sinh khá đều có thể đạt điểm 8, 9 ngang nhau.

Cũng giống như phần nhắc nhở về kỹ năng làm bài Toán được Báo ANTĐ đăng tải ngày 21-6, thầy Hà cho biết, mặc dù bài giải toán không khó nhưng thí sinh vẫn có khả năng viết sai phương trình mà không biết vì vẫn ra kết quả. Theo phản ánh của học sinh hỏi ý kiến thầy giáo sau khi làm bài, nhiều em đã ra sai nghiệm mà không phát hiện ra. Ngoài ra, ở bài toán rút gọn, học sinh nếu không cẩn thận sẽ có thể viết thiếu điều kiện nên khó đạt điểm tuyệt đối.

Có thể thấy kỳ thi lần này thay vì căng thẳng ở khâu tổ chức coi thi chặt, tránh tình trạng quay cóp hay các tiêu cực thi cử khác thì phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên chủ yếu chỉ quan tâm ở đề thi khó hay dễ. Đây cũng chính là nguyên nhân mà theo ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội là không có trường hợp thí sinh hay giám thị bị xử lý kỷ luật. Được biết, ngày 28-6, Hà Nội sẽ bắt đầu chấm thi. Kết quả sẽ được công bố vào giữa tháng 7-2011.