Văn hóa và thể dục: Nhất bên trọng, nhất bên khinh

ANTĐ - Thay vì tham gia các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, nhiều học sinh ở thành phố phải dành thời gian cuối tuần ở lớp học thêm. Lười vận động không chỉ sinh ra nhiều bệnh mà còn ảnh hưởng tới sự tự tin, năng động của trẻ.

Trong khi các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi ngày nên chơi thể thao ít nhất một giờ thì nhiều trẻ em ở thành phố chỉ dành 90 phút mỗi tuần để vận động vào giờ thể dục. Cô Trần Thị Liên, giáo viên dạy thể dục tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết: “Thời giờ dành cho tiết thể dục quá ít so với đặc thù của môn học. Vì đây là hoạt động ngoài trời nên chỉ riêng việc tập trung học sinh từ trên lớp xuống sân trường đã mất đến 10 phút. Các em học sinh ngày nay có thể lực rất kém, chỉ một số ít thực sự đạt yêu cầu”. Cứ đến giờ học đẩy tạ hay nhảy cao, các em lại “nhường” nhau lên tập trước. Nỗi sợ học thể dục đã khiến tiết học này không còn mang mục đích rèn luyện thể chất mà trở thành 45 phút “tra tấn” tinh thần. Nhưng dường như ít có phụ huynh nào lo lắng khi con học yếu môn thể dục, giáo dục thể chất luôn bị coi nhẹ hơn các môn học khác.

Nếu như các lớp học thêm văn, toán, ngoại ngữ… luôn có nhiều học sinh tới ghi danh thì các lớp học bơi, cầu lông, võ thuật, khiêu vũ thể thao… tại các nhà văn hóa lại chỉ đông vào dịp hè, còn các ngày khác cũng không có nhiều học viên tham dự. Thậm chí môn thể thao vua như bóng đá cũng ít được các em quan tâm. Phụ huynh không muốn con chơi bóng đá có nhiều lý do: không muốn con chạy dưới trời nắng, không muốn con ham mê bóng đá mà bỏ bê học hành, sợ con va chạm, té ngã khi chơi thể thao… “Trường cháu cũng có đội bóng nhưng cháu không được tham gia. Festival lần này chỉ có hai ngày nên mẹ cháu bảo đã ‘nhân nhượng’ lắm”, Minh Đức, học sinh lớp 5 trường Đoàn Thị Điểm vui vẻ khoe khi được có mặt trong đội bóng tham gia Festival bóng đá quốc tế lần 2 diễn ra ngày 10/3 vừa qua tại sân vận động của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.

Tham gia đá bóng vào hàng tuần cũng là dịp để học sinh nâng cao thể lực, rèn luyện sức khỏe

Từ năm 2009 đến nay, học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội đã dần làm quen với giải bóng đá thiếu niên HYFL diễn ra vào Chủ Nhật hàng tuần tại sân vận động Cổ Nhuế. Đây là sân chơi của hơn 500 em nhỏ đến từ các trường quốc tế như UNIS, SIS, Hà Nội Academy, các tổ chức trẻ em như làng trẻ Birla, tổ chức Blue Dragon và các trường tiểu học, trung học cơ sở như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trãi, Hermann Gmeiner… Ban tổ chức cho biết, do muốn tạo một sân chơi thường xuyên trong các ngày cuối tuần bên cạnh thời gian học của các em, nên giải đấu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5 hoàn toàn nằm trong năm học. Nhưng cũng chính vì vậy mà khó khăn lớn nhất là việc thuyết phục các đội bóng đồng ý tham gia thi đấu đều đặn suốt tám tháng. Cản trở lớn nhất là do học sinh không được sự cho phép của bố mẹ, các đội bóng không có sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhà trường.

Ai cũng biết lười vận động sẽ dẫn tới các bệnh tim mạch, béo phì, tăng nguy cơ bị bệnh gút và cao huyết áp…, nhưng lại không ý thức việc tập thể dục từ khi còn trẻ. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có phần không nhỏ là do cha mẹ, vì quan tâm quá mức dẫn đến tạo ra sức ỳ, mất đi tính hiếu động của con. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đưa đón con tới lớp học thêm không quản ngại mưa nắng, nhưng lại xem là mất thời gian khi cùng con tới sân bóng mỗi tuần. Bố mẹ chỉ mong sao con ăn nhiều, cao, to hơn các bạn cùng trang lứa mà quên rằng bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý còn cần có chế độ luyện tập thể dục thể thao thì mới thực sự tạo nên sức khỏe.