Văn hóa và con người là mục đích cho sự phát triển của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị Văn hóa toàn quốc được xem là sự kiện đáp ứng mong mỏi của những người yêu văn hóa, nghệ thuật và những người làm nghề văn hóa, nghệ thuật. Như một Hội nghị Diên Hồng của lĩnh vực văn hóa, đó còn là nơi mà những người yêu văn hóa sẽ đưa ra ý kiến tâm huyết, hiến kế cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Ngày 24-11 tới, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành. Nhân dịp này, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Kinh tế là phương tiện, văn hóa và con người là mục đích

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

- PV: Thưa ông, trong suốt chặng đường 35 năm đổi mới của đất nước (kể từ 1986 đến nay), trong lĩnh vực văn hóa nói riêng, chúng ta đã được và mất những gì?

- PGS, TS Bùi Hoài Sơn: 35 năm đổi mới, văn hóa của chúng ta đã có nhiều sự thay đổi lớn. Lớn nhất là chuyển trạng thái từ cứu quốc sang kiến quốc. Trước đây, chúng ta xem văn hóa là mặt trận, chúng ta nhấn mạnh “văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó”, chúng ta nhấn mạnh văn hóa như một vũ khí tinh thần, để tạo ra sự đoàn kết, lòng yêu nước, cấu kết cộng đồng, từ đó, tạo ra sức mạnh cho dân tộc từ văn hóa, Trên thực tế, chúng ta đã rất thành công trên tinh thần văn hóa cứu quốc này. Nhiều bài hát, nhiều câu thơ, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tiến ra mặt trận, tiến vào những khó khăn để giành thắng lợi cho đất nước. Chúng ta thấy nhiều bài hát mà chúng ta vẫn quen gọi là nhạc đỏ, đến ngày hôm nay vẫn truyền cảm hứng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sẻ chia… Thực sự, những giá trị đó đã tạo ra sức mạnh Việt, giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù và vượt qua khó khăn.

Trong rất nhiều những đánh giá về cuộc chiến tranh cứu nước giành độc lập dân tộc, không chỉ học giả Việt Nam mà học giả quốc tế cũng đánh giá, sức mạnh lớn nhất đến từ văn hóa, ý thức cội nguồn dân tộc, lòng yêu nước. Những thành quả đó, giúp chúng ta đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, văn hóa của chúng ta trong nền kinh tế thị trường, trong sự phát triển của công nghệ... đặc biệt cần có sự thích nghi bối cảnh.

Đó chính là lý do tại sao, năm 1998, chúng ta ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghĩa là, chúng ta xác định, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như vậy, nền văn hóa của chúng ta hướng đến đậm đà bàn sắc, kế thừa truyền thống quý báu, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới làm giàu cho văn hóa chính mình.

Khi chúng ta đưa ra khẩu hiệu như vậy, có nghĩa chúng ta đã xác định được thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Nhiều giá trị xã hội đã chuyển đổi, sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường khiến cho các cá nhân quan tâm đến bản thân mình hơn, xem nhẹ yếu tố cộng đồng, coi trọng lợi ích vật chất nhiều hơn những giá trị tinh thần. Những giá trị tinh thần chính là thứ mà chúng ta cần đề cao trong quá khứ và đến thời điểm hiện nay chúng ta vẫn mong muốn cần có những giá trị cộng đồng, tinh thần để đồng hành cùng dân tộc trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó còn là sự hội nhập quốc tế, hội nhập khiến cho nhiều nền văn hóa của các quốc gia bị phai nhạt, mà chúng ta biết, văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì đất nước mất. Khi nền văn hóa bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, một cách không có chọn lọc thì sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất, nguy hại cho sự tồn vong của dân tộc. Chính vì thế, chúng ta lựa chọn xây dựng một đất nước với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là vì những thách thức hay những mối đe dọa với văn hóa như vậy.

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 thì chúng ta thấy, nó có yếu tố tác động nữa, tác động đến con người và văn hóa Việt Nam là sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới. Phương tiện truyền thông mới tạo ra một thế giới khác, thế giới ảo, nhưng thực sự lại không ảo như ta tưởng. Nó tác động đến thế giới thật, thậm chí tác động nhiều hơn so với thế giới thật. Nhiều người lạc lối trên thế giới ảo. Và cái thế giới ảo đó, tác động tiêu cực đến thế giới thật. Vì thế, cần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường văn hóa mà ở trong đó, con người chỉ phát triển yếu tố tích cực.

Sự thực là, ở thế giới mới đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nhận thức cũng chưa đầy đủ. Chính vì thế, mới có nhiều hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội, những hành vi này tạo ra sự rối loạn ngược trở lại trong thế giới thật. Toàn bộ những điều đó ảnh hưởng đến văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, khi định hướng giá trị của chúng ta chưa thực hiện tốt trong việc xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người. Vì thế, đôi khi chính sách hay định hướng phát triển của chúng ta chưa thống nhất, tạo ra những cái nhiễu tâm của con người trong việc mình muốn trở thành ai, người như nào trong tương lai, cần có giá trị gì, phẩm chất gì... Chính vì thế, chúng ta cần phải có những giải pháp, hành động cụ thể để xây dựng văn hóa, phát triển con người phù hợp, tạo điều kiện cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới.

Đến năm 2014, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, chúng ta tiếp tục xây dựng Nghị quyết mới về Văn hóa là “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước” hay còn gọi là Nghị quyết 33. Đến lúc này, chúng ta lại thấy những thách thức đối với phát triển văn hóa của Việt Nam. Sau một thời gian phát triển, thành tựu kinh tế cùng thành tựu khác trong đời sống xã hội đã có những dấu ấn nhất định, tuy nhiên văn hóa của chúng ta lại không theo kịp. Văn hóa và con người chính là mục đích phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Kinh tế có thể là phương tiện, nhưng văn hóa và con người chắc chắn phải là mục đích cho sự phát triển của đất nước thì sự phát triển mới bền vững.

Nền văn hóa Việt Nam hướng đến đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống quý báu, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới làm giàu cho văn hóa chính mình

Nền văn hóa Việt Nam hướng đến đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống quý báu, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới làm giàu cho văn hóa chính mình

- PV: Thưa ông, có một điều lâu nay dư luận đặc biệt quan tâm, nói cũng nhiều và cũng chưa có thay đổi tích cực, đó là việc dạy và học lịch sử Việt Nam. Ai cũng biết, truyền thống, lịch sử là nền tảng cho sự phát triển của văn hóa. Thế hệ trẻ và truyền thống lịch sử văn hóa sẽ đi đến đâu nếu như cứ mãi nhầm Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai ông vua khác nhau?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có lẽ phải bắt đầu từ triết lý mọi lịch sử đều là lịch sử của hiện tại. Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn câu này ở chỗ, mọi vấn đề của lịch sử, trong đó có việc học lịch sử phải phục vụ cho xã hội hiện tại. Để phục vụ cho xã hội hiện tại, ta phải biến các bài học lịch sử đa dạng hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn, cụ thể hơn, phù hợp hơn. Khi lịch sử trở nên đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp mới kích thích nhu cầu của con người hiện tại trong việc tìm hiểu lịch sử. Tìm hiểu lịch sử phải có lợi ích cho hiện tại, nếu người ta không thấy lịch sử có ý nghĩa, là những bài học giúp ích cho người ta phát triển trong hiện tại thì lịch sử chỉ là những bài học khô khan, những sự kiện rời rạc, chỉ là một môn học và bắt người ta phải trả bài. Khi có được triết lý như vậy mới có cách giảng dạy, giới thiệu, trưng bày lịch sử phù hợp hơn trong xã hội ngày hôm nay. Đầu tiên, cần tạo ra những công chúng, học sinh yêu lịch sử. Muốn vậy việc học lịch sử phải phong phú, hấp dẫn, đa dạng, phù hợp, rồi từ yêu có thêm mong muốn tìm hiểu, từ mong muốn tìm hiểu sâu hơn người ta lại thêm yêu lịch sử. Đó là vòng xoáy kích thích đam mê lịch sử.

Tạo sức mạnh mềm thông qua điện ảnh

- PV: Thế hệ của tôi 7x, truyền hình ngập tràn phim lịch sử, dã sử Trung Quốc, đến đời con tôi bây giờ thì toàn phim Hàn Quốc. Xem nhiều đến mức bữa cơm truyền thống của người Hàn có món gì cũng biết. Trong khi đó, phim lịch sử Việt thì quá nghèo nàn, đến một trường quay tử tế cũng chưa có. Một “làn sóng Hàn Quốc” ở châu Á đã rất thành công. Và chúng ta có quyền mơ đến “làn sóng Việt Nam” trong thời gian tới không, thưa ông?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đồng ý rằng, để phát triển văn hóa, nhiều khi phải bắt đầu từ một hiện tượng cụ thể, một loại hình văn hóa cụ thể. Và điện ảnh, truyền hình có thể là ví dụ tốt để phổ biến, quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh con người hay giá trị bản sắc của một dân tộc.

Hiện tại, chúng ta đang sửa Luật Điện ảnh theo hướng tiếp cận mới là phát triển nền công nghiệp điện ảnh. Vấn đề ở đây, điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp, có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác. Ví dụ, tác động tới ẩm thực, thời trang hay bất cứ lĩnh vực gì khác... Vì thế, các quốc gia luôn coi trọng vai trò của điện ảnh, đầu tư hỗ trợ cho phát triển điện ảnh, từ đó, tạo ra sức mạnh mềm, thông qua điện ảnh đó là lý do tại sao, khi sửa lại Luật Điện ảnh cũng sửa theo hướng công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh.

Chúng ta đều biết, công nghiệp điện ảnh có 4 yếu tố. Đầu tiên là tài năng của đạo diễn, diễn viên, biên kịch, các mảng hậu kỳ. Tiếp theo là vốn văn hóa dân tộc để từ đó các tài năng nghệ thuật này khai thác vốn văn hóa, như Hàn Quốc, họ khai thác vốn văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước. Từ đó, mới có tour du lịch đến đảo Jeju, du khách hay khán giả mới thích ăn Kim chi, ưa dùng thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc… Ý thứ 3 mà tôi muốn nói là công nghệ. Điện ảnh phải có công nghệ. Cuối cùng, thứ 4 là kỹ năng kinh doanh điện ảnh. Bốn yếu tố đó tạo ra thành công của một nền điện ảnh chuyên nghiệp, chúng ta phải quan tâm tới cả 4 yếu tố. Chúng ta cần có chính sách, đào tạo ra đội ngũ tài năng cho điện ảnh Việt Nam, những người có hiểu biết sâu sắc văn hóa dân tộc, để từ đó khai thác sâu sắc vốn dân tộc, hiểu biết xu hướng phát triển điện ảnh, kỹ năng phát triển điện ảnh.

Chúng ta phải biết cách khai thác văn hóa Việt Nam để phục vụ cho điện ảnh. Trong điện ảnh có một câu: “Càng địa phương càng quốc tế”. Tức là, chúng ta có thể kể câu chuyện của Việt Nam nhưng chinh phục được khán giả quốc tế. Điện ảnh là kể những câu chuyện, mà câu chuyện phải gần gũi và phải lạ thì mới hấp dẫn. Đó là cách như “Ký sinh trùng” hay “Trò chơi con mực” của Hàn Quốc thành công gần đây... Đó thực sự là câu chuyện đời sống xã hội hiện thực Hàn Quốc và nó đã chinh phục cả thế giới.

Sự thực bây giờ, chúng ta không có trường quay nào đủ tiêu chuẩn để làm một bộ phim đạt chuẩn cả. Gần đây, mới có hệ thống làm hậu kỳ tốt của anh Thanh Bùi trong TP.HCM, trước đây muốn làm hậu kỳ tốt phải sang Thái Lan. Tiếp theo, có kỹ năng kinh doanh điện ảnh tốt. Làm như thế nào để xây dựng thương hiệu cho một đạo diễn, thương hiệu cho một bộ phim, xây dựng thương hiệu trường quay hay khi quay xong làm thương hiệu du lịch cho địa điểm đã quay… Tất cả những điều đó phải làm theo đúng quy trình và chuyên nghiệp.

Mỹ từng có bộ phim đạt doanh thu 2 tỷ USD, doanh thu đó nhiều hơn lãi ròng của một tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Mà Mỹ thì đâu chỉ có một bộ phim. Việc tạo ra một bộ phim nó dễ dàng hơn nhiều so với tạo ra một tập đoàn kinh tế, tập đoàn sản xuất xe hơi hay điện thoại... Đầu tư cho điện ảnh hay văn hóa là đầu tư cho sáng tạo, cho sự phát triển bền vững và không làm biến mất tài nguyên thiên nhiên cũng như ảnh hưởng tới môi trường.

Văn hóa truyền thống tạo nên sức mạnh Việt Nam, giúp chiến thắng kẻ thù và vượt qua mọi khó khăn

Văn hóa truyền thống tạo nên sức mạnh Việt Nam, giúp chiến thắng kẻ thù và vượt qua mọi khó khăn

- PV: Và thực sự là lâu nay chúng ta vẫn thường hay nói “đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm”?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là nhận xét đúng nhưng trong hoàn cảnh này, điều kiện nào đó có thể là chưa đầy đủ. Đúng ở chỗ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa xuống cấp mà chưa có nguồn lực về tài chính. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là đầu tư cho văn hóa mới đạt 1,71%, trong khi đó chỉ tiêu phấn đấu cách đó cả chục năm là 1,8%. Đầu tư thiếu, thiếu nguồn lực, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành chưa đầy đủ, từ đó sinh ra hệ lụy.

Chưa đủ, bởi có nhiều thiết chế văn hóa hiện nay chưa được khai thác đầy đủ, có nhiều nhà văn hóa, nhiều thư viện, nhiều bảo tàng chưa phát huy hết hiệu quả, chưa trở thành điểm quy tụ người dân tham gia sinh hoạt văn hóa. Điều này là vô cùng lãng phí khi chúng ta đã có những đầu tư nhất định để xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo hơn trong chiến lược phát triển văn hóa sắp tới.

Tôi cũng muốn nói thêm về nguồn lực con người. Rõ ràng ở chỗ này chỗ kia còn có nhiều cán bộ văn hóa chưa đảm đương được nhiệm vụ của mình, nhiều văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đạo đức. Chính vì lý do đó, chúng ta gặp rất nhiều vấn đề trong phát triển văn hóa, khi mà chúng ta mong muốn rằng, đội ngũ văn hóa này phải là tấm gương, hình mẫu, từ đó phát triển văn hóa. Khi mà chúng ta không hình thành được những tấm gương, hình mẫu, rõ ràng, việc phát triển văn hóa của chúng ta có vấn đề.

- PV: Thưa ông, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, theo ông, để chấn hưng văn hóa nước nhà, việc đầu tiên chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có khá nhiều việc phải làm để chấn hưng văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sau 2 năm dịch bệnh. Cần phải thực hiện mấy nhiệm vụ sau. Đầu tiên, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người để từ đó định hướng, phát triển đất nước. Khi chúng ta có định hướng chung cho sự phát triển đất nước, chúng ta mới tập trung được các nỗ lực, nguồn lực để đạt được giá trị đó. Bất kỳ con người, cộng đồng nào khi định hướng giá trị để theo sẽ không lạc hướng, không bị lãng tâm bởi câu chuyện khác.

Thứ 2, cần có hệ thống thể chế, luật pháp phù hợp trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Hệ thống luật pháp, thể chế về văn hóa của chúng ta đang trên con đường hoàn thiện. Chúng ta có một số luật rồi, còn thiếu một số luật nữa. Một số đã có rồi cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp hơn. Văn hóa nghệ thuật không chỉ đơn thuần giải trí, hay liên quan đạo đức xã hội, hệ tư tưởng... Đã là sản phẩm văn hóa thì phải là các sản phẩm hàng hóa. Tất nhiên cần có logic đặc biệt, đảm bảo sự điều tiết phát triển của đất nước. Cách thức thay đổi theo luật để điều tiết sự năng động đa dạng của cuộc sống, giúp sự phát triển văn hóa nói riêng và xã hội nói chung đúng hướng, bền vững.

Cần đầu tư nhiều hơn cho nguồn lực. Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và nguồn lực cho sự phát triển văn hóa, từ đó dẫn dắt văn hóa phát triển. Tập trung đầu tư cho công nghiệp văn hóa, đây là việc quan trọng, đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia giúp ta có bản lĩnh văn hóa trong thế giới hội nhập toàn cầu. Khi mà chúng ta xác định được bản lĩnh của mình trong thế giới đó, chúng ta không sợ bị hòa tan. Đó là một vài gợi ý của tôi cho sự phát triển văn hóa thời gian tới.

Ngày 24-11 này, chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đây là sự kiện đáp ứng mong mỏi của người yêu văn hóa nghệ thuật và của người làm nghề văn hóa nghệ thuật. Đây được coi như Hội nghị Diên Hồng của lĩnh vực văn hóa, là nơi mà những người yêu văn hóa sẽ đưa ra ý kiến tâm huyết hiến kế cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Tại đây, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đưa ra những thông điệp quan trọng giúp phát triển văn hóa nước nhà. Hy vọng, bộ, ngành và các địa phương có thêm quyết tâm, chương trình hành động cụ thể tạo điều kiện cho văn hóa phát triển.

- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!