Vận dụng UNCLOS ứng phó những thách thức đang nổi lên trên biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công ước UNCLOS năm 1982 được xem là bản “Hiến pháp của đại dương” có vai trò quan trọng trong việc xử lý, giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển, trong đó có Biển Đông - vùng biển chiến lược trọng yếu nhưng đang tiềm ẩn những nguy cơ từ những tranh chấp, đặc biệt là tham vọng chủ quyền phi pháp.
Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển

Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển

Nền tảng pháp lý giải quyết tranh chấp

Phát biểu khai mạc Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển diễn ra trong ngày 30-11 và 1-12, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982 trong việc xử lý các thách thức và tranh chấp trên biển. Ông cũng một lần nữa khẳng định, trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề trên biển, cần có sự hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Hội thảo lần thứ tư của ARF về vận dụng UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển được Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Australia và New Zealand đồng tổ chức tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ 27 quốc gia thành viên ARF, các tổ chức quốc tế và khu vực, cơ quan đại diện ngoại giao, viện nghiên cứu, các bộ, ngành. Tiếp nối thành công của chuỗi 3 hội thảo cùng chủ đề được tổ chức trong các năm 2019 và 2021 tại Hà Nội, hội thảo lần này diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo ra diễn đàn hấp dẫn, thu hút nhiều chuyên gia, học giả có uy tín và quan chức các nước thành viên ARF. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về cách thức hợp tác, giải quyết các thách thức trong quản lý biển tại khu vực, trên cơ sở vận dụng và thực thi UNCLOS 1982 cùng các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận về 2 chủ đề chính bao gồm quyền, nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan; các thách thức truyền thống và mới nổi trong quá trình thực thi Công ước. Tại các phiên thảo luận, các phát biểu đều đề cao giá trị toàn diện của UNCLOS 1982 trong suốt 40 năm qua; nhấn mạnh đây là công cụ pháp lý quan trọng nhất để gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề truyền thống và mới nổi trên biển, đại dương trong khu vực. Trong ngày làm việc thứ hai, hội thảo tập trung thảo luận về các nỗ lực hợp tác quốc tế hướng đến sử dụng bền vững, bảo tồn biển và đại dương, bao gồm việc thương lượng văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học biển trong vùng biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia; quyền tài phán về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế; thích nghi với biến đổi khí hậu và các cơ quan nghề cá khu vực.

Chia sẻ quan điểm chung của các đại biểu tại hội thảo về vai trò, tầm quan trọng của UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, Công ước là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng. Theo đó, mọi tranh chấp, các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình

Ngay trước hội thảo này, tại Việt Nam và khu vực đã diễn ra liên tiếp các hội nghị quốc tế lớn về Biển Đông, hoặc có chương trình nghị sự dành thời gian thích đáng để thảo luận và đưa ra những thỏa thuận, nhận thức chung về hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dụa trên luật pháp quốc tế mà tiêu biểu là UNCLOS 1982. Đó là Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 tại Đà Nẵng; Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan tại Campuchia; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 9 ở Campuchia; Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 ở Thái Lan… cùng diễn ra trong tháng 11 vừa qua.

Có thể thấy, vấn đề Biển Đông hiện vẫn là một mối quan tâm sâu sắc của không chỉ các quốc gia mà của cả cộng đồng quốc tế đối với vùng biển có vai trò địa chính trị quan trọng, là tuyến vận tải biển huyết mạch với tổng lượng hàng hóa qua lại lên tới 5.300 tỷ USD mỗi năm. Mọi căng thẳng và phức tạp ở Biển Đông đều tác động trực tiếp tới ổn định, an ninh, hợp tác của khu vực và thế giới. Khi mà kinh tế thế giới cũng như khu vực đang rất cần một môi trường hòa bình, ổn định để dồn nguồn lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, mỗi động thái căng thẳng, mất an ninh trên Biển Đông đều có tác động không nhỏ. Trong khi đó, dù tình hình Biển Đông thời gian gần đây có phần lắng dịu khi thế giới và khu vực đối mặt với những cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng (xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, vấn đề tên lửa và an ninh trên bán đảo Triều Tiên…) tuy nhiên những nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định lâu nay ở Biển Đông vẫn còn đó và đang tiếp diễn. Nhất là quá trình quân sự hóa, bồi đắp trái phép các thực thể nhân tạo thành căn cứ quân sự quy mô lớn, tiếp tiếp tổ chức các diễn tập quân sự, tập trận bắn đạn thật…

Diễn ra vào dịp tròn 40 năm ngày UNCLOS 1982 ra đời, Hội thảo lần thứ tư của ARF về vận dụng công ước này và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển càng cho thấy giá trị, tầm quan trọng của bản “Hiến pháp của đại dương” với các đại dương nói chung, trong đó có Biển Đông. Dựa trên UNCLOS 1982, phán quyết mà Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines có tác động rất lớn tới giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, PCA khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và thực tiễn để đòi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “Đường lưỡi bò”, mọi đòi hỏi của quyền của Trung Quốc tên vùng biển này là phi pháp và phi lý. Phán quyết của PCA đóng vai trò “dẫn đường” cho các nước liên quan trong cuộc đấu tranh vì một trật tự dựa trên luật lệ chứ không phải dựa trên “sức mạnh tạo ra công lý”. Mọi tranh chấp, các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực như Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Chia sẻ quan điểm với Việt Nam tại Hội thảo lần thứ tư của ARF về vận dụng UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển, các đồng chủ tọa là Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ARF của New Zealand cùng đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS. Bà Georgina Roberths - Trưởng SOM ARF của New Zealand, sau khi nêu bật giá trị của biển và đại dương đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển của khu vực đã nhấn mạnh tới sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.