Khủng hoảng kinh tế Tây Ban Nha:

Vận động viên Olympic không mua nổi... quần đùi

ANTĐ - Trái với một số ngôi sao thể thao hàng đầu, các VĐV điền kinh, bơi lội, đua thuyền hay thể dục dụng cụ có đẳng cấp quốc tế tại Tây Ban Nha đang bị từ chối các điều kiện cơ bản, bị “nợ trợ cấp” từ đầu năm, thậm chí phải tự trả tiền cho các chuyến du đấu, mua sắm trang thiết bị và nơi ăn chốn ở. Cơn bão tài chính đang đe dọa tiềm năng phát triển thể thao của quốc gia này.

Carlos Perez Rial và Saul Craviotto  - cặp VĐV bơi xuồng có tiếng của Tây Ban Nha

Khốn khổ vì cắt giảm trợ cấp

Nhắc tới thể thao đỉnh cao của Tây Ban Nha, người ta thường nói đến những biểu tượng như đội tuyển bóng đá quốc gia, Vua đất nện Rafael Nadal hay tay đua tốc độ   Fernando Alonso. Tuy nhiên, giới truyền thông địa phương đang nói về “cuộc khủng hoảng tài chính” đối với làng thể thao khi một số thông tin gây sốc được đưa ra. 

Theo VĐV nhảy sào Isaac Botella, người đứng thứ 6 tại Olympic London, anh vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền trợ cấp nào kể từ tháng 1 năm nay. “Đó là một vòng luẩn quẩn, bạn nhận được trợ cấp nếu có thành tích, nhưng  bạn phải tự lo cho mình để có thể giành được thành tích khi không có trợ cấp…”, VĐV 29 tuổi bộc bạch với các phóng viên. Không có việc làm thường xuyên, vận động viên Olympic này phải sống dựa vào cha mẹ về mặt tài chính. “Cha mẹ ứng trước tiền nhà, tiền xe..., chờ đến khi tôi có trợ cấp thì trả lại cho họ. Tôi thậm chí không đủ tiền mua một chiếc quần đùi để mặc mùa hè này và thật xấu hổ khi phải nhờ mẹ đi mua”. Isaac Botella tâm sự, những điều đó khiến anh bị “tổn thương và mất động lực phấn đấu”. 

Botella không phải là trường hợp khó khăn duy nhất khi cơn bão tài chính quét qua xứ sở đấu bò. Hồi tháng trước, VĐV này và các đồng đội đã phải gửi thư cầu cứu lên Liên đoàn Thể dục Tây Ban Nha (RFEG) về việc bị cắt giảm trợ cấp, khiến họ chỉ còn một chuyên gia trị liệu phục vụ cho 32 VĐV và đáng lo ngại là không có nhân viên y tế nào. 

Tương tự, Saul Craviotto, vận động viên bơi xuồng từng giành HCB Olympic London, 2 lần vô địch thế giới và vô địch châu Âu cho biết, đã 7 tháng nay anh không nhận được trợ cấp. “Tôi không biết họ còn nợ tôi bao nhiêu nữa. Tôi có một khoản thế chấp nên cần tiền... Khi tôi gọi, Liên đoàn cho biết không khó khăn gì, tiền sẽ được gửi”. Craviotto vẫn tự cho là may mắn vì còn có tiền lương hàng tháng để mà chi tiêu. Tuy vậy, anh cũng kể rằng “không có tiền để xuống miền Nam Tây Ban Nha để tránh cái lạnh và tập luyện trong mùa đông”, vì thế sẽ vất vả hơn để tập luyện mong giành được huy chương.

Carlos Perez, VĐV đoạt HCV cùng với Saul Craviotto tại Olympic Bắc Kinh 2008, đã bày tỏ sự giận dữ trên tờ Marca hồi tuần trước vì anh phải tự trang trải các chi phí tham dự giải vô địch thế giới tại Duisburg, Đức khởi tranh vào tháng 8-2013. “Đó là một sự sỉ nhục khi bạn phải tự nộp các khoản tiền để đại diện cho Tây Ban Nha”, Perez nói. VĐV này cho biết, anh đã vượt qua 3 vòng tuyển chọn để có suất tham dự giải tại Đức nhưng Liên đoàn tuyên bố anh sẽ phải bỏ tiền túi cho việc đi lại và ăn ở, thậm chí đồng phục bắt buộc cũng phải nộp với giá 300 euro.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Trường hợp như Botella, Perez, Craviotto… nêu trên là kết quả của việc cắt giảm trợ cấp từ chính phủ cho các Liên đoàn thể thao của Tây Ban Nha, một phần trong nỗ lực toàn diện để giảm chi tiêu công. Trợ cấp xã hội nói chung từ 76,3 triệu euro (tương đương 98,1 triệu USD) vào năm 2009 giảm xuống chỉ còn một nửa, còn 34,1 triệu euro trong năm nay.

Đáng nói là trừ Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha RFEF,  vốn không phải phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước do “được tài trợ và thưởng tiền lớn” từ các giải đấu lớn quốc tế gần đây, các Liên đoàn thể thao khác đang trong tình cảnh rất bi đát. Thông tin được đăng tải trên tờ El Pais gần đây cho biết, 25 trong số 63 Liên đoàn thể thao của Tây Ban Nha đang đối mặt với nguy cơ phá sản. 

Liên đoàn điền kinh (RFEA) là một ví dụ điển hình. Chủ tịch Jose Maria Odriozola cho biết, trợ cấp mà RFEA nhận được năm nay giảm 47% so với năm 2012 và số tiền bị cắt giảm lên tới 2,8 triệu euro từ 7 triệu euro vào năm 2008. Theo kế hoạch, ngân sách dành cho thể thao Tây Ban Nha tại Rio de Janeiro 2016 chỉ bằng 35% so với London 2012. Đoàn điền kinh Tây Ban Nha đã thể hiện một thành tích nghèo nàn trong những năm gần đây, không đoạt được bất kỳ huy chương nào ở Bắc Kinh hay London. Với số tiền đầu tư bị cắt giảm, cùng với biên chế cũng phải giảm 1/3, hy vọng có thành tích cao lại càng mong manh.

Tuy nhiên, một số vận động viên cũng phàn nàn rằng trong khi họ là những người bị tổn thương thì một số quan chức vẫn tiếp tục được trả lương cao, chi tiêu hào phóng và đi lại miễn phí. “Các liên đoàn đã vẽ nên bức tranh ảm đạm trong ánh sáng của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất vài chục năm gần đây. Đó là hậu quả của sự rối loạn và thiếu kiểm soát về ngân sách trong giai đoạn phát đạt trước đây, vì thế giờ có thắt lưng buộc bụng cũng không kết quả”, tờ El Pais nhận xét.