Lãnh đạo thành phố đối thoại với thiếu nhi:

Vấn đề “nóng” trong cách nhìn con trẻ

ANTĐ - Hơn 130 thiếu nhi đến từ các trường tiểu học, THCS, các mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi, con em chiến sĩ hải quân… đại diện cho hơn 1 triệu trẻ em TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện khá thẳng thắn, trách nhiệm và mang đậm tính thời sự cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố.


Đâu phải là... chuyện nhỏ

2 giờ đối thoại trôi qua thật nhanh và cởi mở. Em Dương Thị Cẩm Nhung - học sinh trường THCS An Phú, quận 2 chia sẻ: Hiện nay sân chơi phù hợp cho thiếu nhi còn quá ít. Năm 2011, các cô chú hứa sẽ xây dựng 10 công viên vui chơi nhưng số lượng hoàn thành chỉ có 2, trong khi các bạn thiếu nhi vùng sâu, vùng xa đang rất thiếu khu vui chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng. Em Phan Cẩm Tiên - học sinh trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 băn khoăn: Hiện tượng “nghiện” game online ảnh hưởng xấu đến nhiều bạn học sinh. Tuy đã có quy định về khung giờ, thời gian hoạt động của loại hình này nhưng lại chưa được kiểm tra, giám sát thường xuyên, rất mong các cô chú quan tâm và quyết liệt hơn trong vấn đề này.

 Em Nguyễn Chí Sỹ - học sinh trường THCS Phan Đăng Lưu, quận 8 kiến nghị: Nhiều bạn học sinh bây giờ chỉ cần va chạm, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, đã có nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân tại sao, các cô chú lãnh đạo đều hiểu và chúng con mong, các cô chú chỉ đạo các ban, ngành sớm có cách gì đó để giáo dục, giúp các bạn nhận ra cái xấu, chứ không chỉ dùng biện pháp trừng phạt như đánh đòn, đuổi học, kỷ luật… Góc độ khác, em Trần Tuấn Vũ - học sinh THCS Hoa Lư quận 9 nhìn nhận về học thêm: Nhiều bạn con, do gia đình khó khăn nên không có điều kiện học thêm, áp lực việc phải đi học thêm để không bị “trù dập” ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các bạn và cũng tạo nên áp lực lớn cho thầy cô khi phải chạy theo bệnh… thành tích. Nên chăng, các cô chú lãnh đạo cải thiện hơn đời sống cho giáo viên. Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên vấn đề dạy thêm và học thêm.

Không chỉ nêu ra các vấn đề, tại buổi đối thoại, thiếu nhi TP.HCM còn đưa ra các giải pháp cho lãnh đạo thành phố. Em Tâm Anh - học sinh THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp nêu ý kiến: Khá nhiều bạn xem môn Giáo dục công dân chỉ là một môn học để đối phó, học để kiểm tra, thi chứ không dính dáng gì đến đời sống hiện thực. Vì vậy, con mong cô chú, thầy cô nghiên cứu, tổ chức những hoạt động từ thiện, thăm trẻ em nghèo, khó khăn để chúng con học giáo dục công dân từ thực tế, có thể áp dụng trong đời sống. Qua đó, nhà trường có thể tăng cường giáo dục về pháp luật, tác hại của bạo lực học đường đến học sinh. Các nội dung này có thể đưa thêm vào môn Giáo dục công dân giảng dạy trong nhà trường qua những buổi ngoại khóa. Em Lê Thị Thúy Nga - học sinh THCS xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ tâm sự: Con có một số bạn ở trong thành phố nhưng ý thức bảo vệ môi trường không cao, xả rác lung tung … Trong khi chúng con luôn được thầy cô dạy Cần Giờ là khu sinh thái, lá phổi xanh của thành phố. Con mong các cô chú hãy tạo điều kiện để các bạn đến thăm Cần Giờ, học cách bảo vệ môi trường.

Phải tạo môi trường tốt nhất

Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm xúc động trước những ý kiến chân thành của con trẻ nhưng đã làm người lớn suy nghĩ và trăn trở. Chuyện một rạp chiếu phim 3D mini ở quận 2 khánh thành là niềm ước mong của đông đảo thiếu nhi các quận, huyện khác. Chuyện em Nguyễn Danh Thanh - học sinh trường Bàn Cờ, quận 3: Thay vì chỉ dạy lý thuyết, con mong thầy cô hãy cho con đi học tập ngoại khóa để con có thể nhớ bài, hiểu bài nhiều hơn… Đánh giá cao những vấn đề các em thiếu nhi nêu ra, đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định, gần 50 ý kiến, thông điệp của các em xoay quanh bạo lực học đường, giảm tải chương trình học, đổi mới cách giảng dạy sao cho bớt khô khan nhàm chán, tạo thêm sân chơi cho các em... đều là những vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay.

Thời gian tới, lãnh đạo thành phố và các đơn vị sẽ tổ chức thêm những cuộc gặp gỡ, lắng nghe những suy nghĩ, ước mơ của thiếu nhi để cùng thành phố sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, đồng thời nghiên cứu, kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng lại chương trình học cũng như phương pháp học để học sinh cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn. Đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, cả xã hội chứ không chỉ riêng của ngành giáo dục. Nhưng trước mắt, Sở GD-ĐT phải tăng cường thêm các giờ học ngoại khóa, du khảo, dã ngoại, tăng thêm các tiết học thực hành nhằm cho học sinh rèn luyện thêm kỹ năng sống; mời các nhà văn, nhà thơ đến các trường học giao lưu, trò chuyện, xây thêm nhiều thư viện, trang bị thêm nhiều đầu sách tốt để giúp học sinh có thêm hứng thú đọc sách… Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cam kết tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa cho thiếu nhi, dành những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thiếu nhi - những chủ nhân tương lai của thành phố và đất nước.