Thi tuyển sinh đại học:

Vấn đề nhạy cảm có nên đưa vào đề thi?

ANTĐ - Buổi thi sơ tuyển cho gần 7.500 thí sinh vào ĐH FPT ngày 8-4 gây nhiều băn khoăn với chủ đề khá nhạy cảm khi đề thi ra về trinh tiết trong hôn nhân. Mặc dù đại diện trường FPT nhấn mạnh sẽ không chấm điểm dựa vào quan điểm của thí sinh nhưng một số nhà sư phạm cho rằng cần bàn kỹ trước khi ra đề thi như vậy.

Không né tránh vấn đề nhạy cảm

Sáng 8-4, trường đại học FPT đã tổ chức kỳ thi sơ tuyển cho gần 7.500 thí sinh tại 8 điểm thi trên toàn quốc. Chọn vấn đề “Trinh tiết” - chủ đề “nóng” được xuất hiện nhiều trên mặt báo trong thời gian gần đây, đề thi luận của ĐH FPT được đặt ra với suy nghĩ như một diễn đàn cho giới trẻ bày tỏ quan điểm của mình. Bằng việc đưa ra suy nghĩ có phần linh hoạt về “trinh tiết” qua thơ Nguyễn Du, đề thi của ĐH FPT đưa ra đối chiếu, liên tưởng với xu hướng “sống thử” và quan niệm “tình dục trước hôn nhân là điều bình thường” của giới trẻ hiện đại.

Trước đề tài được cho là khá nhạy cảm này, bà Trần Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cho rằng, khi xây dựng một đề thi đều phải tuân thủ đúng quy trình làm đề như xây dựng mục tiêu, xây dựng ma trận, từ đó đưa ra tiêu chí đánh giá. Với các đề thi dạng mở như kiểu đề này thì cũng cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Bà Trần Thị Hải Yến cho biết, các vấn đề nhạy cảm của xã hội cũng không nên né tránh. Với học sinh THPT vấn đề này vẫn được gợi mở và bàn luận công khai, dân chủ trong các buổi sinh hoạt chuyên đề của nhà trường. Tuy nhiên, bà Trần Thị Hải Yến cũng cho biết cụ thể về đề tài theo dạng nhạy cảm như vậy thì chưa từng được đưa vào đề thi hay các kỳ kiểm tra quan trọng.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với cách đặt vấn đề thẳng thắn để trao đổi trong học sinh, sinh viên với những quan niệm truyền thống hay hiện đại về hôn nhân, tình dục... còn việc đưa vào đề thi lại là vấn đề khác.

Không đánh giá quan điểm

Trước băn khoăn của dư luận với đề thi của ĐH FPT, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường đại học FPT chia sẻ: “Việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình. Điều chúng tôi đánh giá chính là tư duy của thí sinh được thể hiện qua bài viết luận”.

Lý giải về cách chọn đề tài này, ĐH FPT cho rằng từ khóa “Trinh tiết” đang là chủ đề “nóng” được xuất hiện nhiều trên mặt báo trong thời gian gần đây. Đề thi luận của ĐH FPT như một diễn đàn cho người trẻ bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình về vấn đề từ trước nay vốn được các bạn trẻ đề cập tới một cách dè dặt. Đánh giá của ĐH FPT cho rằng đề thi đã tạo nên hiệu ứng lan truyền tốt trên mạng ngay khi buổi thi kết thúc, khích lệ cho việc mạnh dạn đưa những chủ đề thẳng thắn và hiện thực tới giới trẻ và khẳng định trái với lo ngại chủ đề “nhạy cảm” sẽ làm các thí sinh ngại ngùng, nhiều thí sinh sau kỳ thi đã bày tỏ đề thi luận năm nay thực sự tạo hứng thú, được thể hiện luận điểm của bản thân trước vấn đề thời sự của xã hội, thay vì chỉ bày tỏ chung chung, sách vở hay lí thuyết. 

Đưa ra nhận xét về đề thi này, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, với cách nhìn của người thực tế thì đề thi này là hay, tạo sự tò mò với thí sinh nhưng với cách nhìn của nhà sư phạm thì chưa hợp lý. “Đã là đề thi thì phần đáp án phải đưa ra được chuẩn về nhận thức, tư tưởng chứ không chỉ đơn thuần là chấm về phương pháp” - TS Tùng Lâm phân tích.