Vẫn còn rau trôi nổi bị tuồn vào siêu thị

ANTĐ - Lợi dụng giấy chứng nhận của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở sản xuất rau sạch, rau an toàn đã thu gom rau tại các chợ đầu mối rồi tuồn vào siêu thị, các cửa hàng để trục lợi…

Rau sạch, rau an toàn được “đóng gói” chỉ bằng một chiếc dây buộc và được bày bán tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội

Người tiêu dùng tin nhãn mác

Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể phân biệt rau sạch, rau an toàn khác với rau không đủ tiêu chuẩn như thế nào khi chúng đã được người bán dán nhãn “rau sạch, rau an toàn”, nhất là khi chúng được bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Chỉ đến khi những “thương hiệu rau sạch” này bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm, người tiêu dùng mới té ngửa việc, bấy lâu nay mình sử dụng sản phẩm rau sạch, rau an toàn nhưng thực sự không hề an toàn.

Những ngày gần đây, thông tin về những sản phẩm rau không rõ nguồn gốc, gắn mác rau sạch, rau an toàn được bày bán trong siêu thị Mettro Thăng Long của Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam tại Hà Nội (phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được phát đi khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình.

Trước đó, ngày 21-4, Đội QLTT số 32 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở cung cấp rau an toàn của bà Nguyễn Thị Tưởng (tại thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã không chứng minh được nguồn gốc của hơn 1 tấn rau, củ, quả, trong đó có khoảng 2,5 tạ sản phẩm đang được nhân viên đóng gói vào các túi lưới, dán nhãn đảm bảo, được cho là cung cấp vào siêu thị Metro Thăng Long. Qua xác minh, chỉ 70-80% số rau trên được cơ sở này mua tại khu vực có chứng chỉ an toàn, số còn lại mua trôi nổi ngoài thị trường. 

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội phối hợp với Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, Thanh tra Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội kiểm tra Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đạo Đức (HTX Đạo Đức), ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội, do bà Đỗ Thị Liên làm chủ nhiệm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Liên đang thực hiện hợp đồng cung cấp rau, củ quả... cho một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Do lượng rau, củ, quả không đủ nên  cơ sở cho người đi mua gom rau ở các chợ đầu mối, thậm chí mua cả rau của Trung Quốc rồi về gắn mác rau sạch của HTX Đạo Đức để đưa vào các siêu thị bán cho người tiêu dùng.

Một vụ vi phạm khác bị phát hiện tại Công ty TNHH sản xuất kinh doanh chế biến rau an toàn Ba Chữ, ở Vân Nội, Đông Anh. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hành vi mua gom rau ở các chợ đầu mối, sau đó gắn mác rau an toàn rồi đưa vào các siêu thị lớn. 

“Rau an toàn” vẫn còn lỗ hổng

Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội cho biết), theo thống kê hiện trên địa bàn thành phố có gần 200 cơ sở trồng rau sạch, đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó nhiều nhất là Đông Anh (hơn 30 cơ sở), Sóc Sơn (18 cơ sở). Thời gian qua, số lượng cơ sở trưng mác cung cấp thực phẩm sạch được mở ra khá nhiều, tuy nhiên việc cấp phép, kiểm soát, kinh doanh rau an toàn vẫn có những lỗ hổng nên tồn tại tình trạng đối tượng xấu trà trộn, bán hàng chưa được kiểm định cho người tiêu dùng. Không loại trừ cả việc có những trung tâm thương mại, siêu thị “bắt tay” với nguồn cung cấp, để tiêu thụ những sản phẩm không đúng theo hợp đồng. 

“Trong các tháng đầu năm 2016, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 888 vụ vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách 3,7 tỷ đồng. Riêng đối với nông sản trong đó có rau sạch, lực lượng chức năng đang tích cực kiểm tra các siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép”, Trung tá Trần Anh Tuấn cho biết.