Vẫn còn nhiều điểm sáng

ANTĐ - Đọc thông tin về kíp phẫu thuật gồm 5 y bác sĩ ở Thái Bình lấy bàn uống nước làm giường mổ để cứu sống sản phụ nguy kịch ngay tại nhà bệnh nhân, bác Phạm Thị Mỹ (Đông Anh, Hà Nội) rất cảm động.

- Bác nghĩ gì khi đọc được thông tin này?

- Lâu lắm rồi tôi mới đọc được một bản tin về các y bác sĩ mà thấy lòng thư thái đến vậy. Sự tận tụy, hết mình vì người bệnh của kíp y bác sĩ BV Phụ sản và trường Đại học Y Thái Bình để cứu sống bệnh nhân trong điều kiện hết sức ngặt nghèo nói trên quả thực rất cảm động. Trong bối cảnh liên tiếp xảy ra những vụ việc tiêu cực trong ngành y, sự xuống cấp của y đức thì đây là một điểm sáng, cho thấy ngành y vẫn thực sự là một ngành cao quý như lời Bác Hồ dạy.

- Nhiều ý kiến bình luận rằng, nếu các bác sĩ đều có tinh thần như kíp phẫu thuật ở Thái Bình thì đã không xảy ra nhiều tai biến sản phụ khoa chết người đến vậy. Bác có đồng tình?

- Không chỉ sản khoa mà tất cả bác sĩ khác đang công tác trong ngành y phải nhìn nhận lại mình khi soi vào tấm gương này. Cũng phải thấy rằng, BV Phụ sản Thái Bình đã có một cách làm rất sáng tạo và đầy trách nhiệm khi thành lập và cử kíp phẫu thuật đến tận nhà người bệnh để mổ cấp cứu bệnh nhân trong điều kiện khẩn cấp. Đáng tiếc mô hình này quá hiếm hoi, nhiều năm công tác trong ngành y tế Thủ đô mà tôi chưa thấy có BV nào triển khai. Thế nên, dù Hà Nội có hệ thống vận chuyển cấp cứu 115 phát triển nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân chết trước khi kịp đến BV. 

- Làm thế nào để nhân rộng được điển hình này?

- Tôi được biết Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Thái Bình biểu dương, khen thưởng kíp phẫu thuật nói trên. Đó là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Ngành y tế cả nước còn nhiều, rất nhiều tấm gương sáng tương tự và tinh thần từ các tấm gương này cần phải được truyền thông nhân rộng trong toàn ngành, thay vì các khẩu hiệu xây dựng quy tắc ứng xử chung chung.