Văn chương đừng nên kể tuổi tác

ANTĐ - 22 năm trước, cũng tháng 9, cũng một ngày thu và thật tình cờ cũng lại bên bờ hồ Tây lộng gió, Hội nghị những người viết văn trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. 22 năm sau, những người trẻ thuở nào giờ đã không còn trẻ nữa và họ lại gặp nhau để cùng với những cây bút trẻ bàn luận chuyện văn chương trong hội nghị dành cho những người viết văn trẻ lần thứ hai do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức.

Văn chương đừng nên kể tuổi tác ảnh 1Sau 22 năm, những người viết văn trẻ Hà Nội mới lại có dịp bàn về văn chương
của chính mình

Dưới 40 và đầy sức trẻ

Hội nghị những người viết văn trẻ 2015 có sự tham dự của nhiều khách mời như nhà thơ Vũ Quần Phương, dịch giả Đoàn Tử Huyến… lại có cả những cây bút lão luyện đã bỏ xa cái tuổi “xưa hay hiếm” là nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh… Bên cạnh đó, cũng có sự góp mặt của những nhà văn vừa bước qua ngưỡng 40 nhưng sức sáng tác luôn tràn trề như nhà thơ, dịch giả Hữu Việt, nhà thơ Lê Anh Hoài, nhà thơ Phan Huyền Thư. Tất nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến nhân vật chính được nhắc đến trong hội nghị lần này là những gương mặt trẻ - trẻ của làng văn thôi chứ còn tuổi tác thì cũng 40 tới nơi rồi là Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Trương Quý, Đỗ Bích Thúy, Trần Hoàng Thiên Kim…

Cũng giống hệt khái niệm phân chia giới tính kiểu nam nhà nhà văn hay nữ nhà văn, nhiều đại biểu tham dự cũng rất đắn đo giữa hai từ trẻ và già. Bởi thực ra văn chương vốn sòng phẳng chỉ phân chia tác phẩm hay, dở chứ chẳng bao giờ câu chuyện giới tính hay tuổi tác được ưu ái, được quyền quyết định sự nghiệp văn chương của tác giả hay vận mệnh của giới cầm bút nước nhà.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên kể, 22 năm trước, ông đã từng phát biểu trước hội nghị rằng, trẻ là tính về tuổi tác chứ không phải tính về tài năng và độ chín trong nghề văn. Còn bậc cao niên Nguyễn Xuân Khánh thì bảo, ông không thích chia trẻ - già, tác phẩm là thứ trời cho, cái sự trẻ trung nó nằm trong bản chất, đó không phải là thứ “cưa sừng làm nghé mà thành”.

Đại biểu tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ lần này độ tuổi từ dưới 20 đến 40, đã có trong tay nhiều đầu sách hoặc đã trở thành những tác giả quen thuộc trên văn đàn, thậm chí có người đã nổi tiếng… Thế nhưng, khi nhắc về quá khứ, nhiều người vẫn ngậm ngùi bởi lẽ, nền văn học Việt Nam đã có một Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” khi 17 tuổi, Vũ Trọng Phụng đã hoàn thành sự nghiệp văn chương với đỉnh cao là tiểu thuyết “Số đỏ” năm 27 tuổi, Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ” năm 18 tuổi…

Văn chương đừng nên kể tuổi tác ảnh 2Những cuốn sách bán chạy, nhưng vẫn mang dáng dấp tự truyện

Hãy viết bằng trái tim nhiệt huyết

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng kể, ở cả 3 tờ báo là Tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Công an cùng Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đều có ít tác phẩm của các tác giả trẻ gửi đến. Hay có lẽ cuộc sống này gấp gáp quá chăng? Hoặc những người trẻ có quá nhiều sự lựa chọn để giải tỏa, sẻ chia những vấn đề trong cuộc sống mà không cần tới văn chương? Hay cũng có thể cả 3 tờ báo kể trên chưa phải là sân chơi phù hợp với người viết trẻ. Hơn 10 năm về trước, Hội Nhà văn cũng nghĩ thế chăng mà quyết định cho ra mắt tờ Văn nghệ trẻ, nhưng rồi cũng dần mai một, tác giả trẻ cũng thưa vắng dần và cuối cùng là phải khai tử tờ Văn nghệ trẻ.

Ấy thế nhưng, các tác giả trẻ gần đây lại nhộn nhịp ở lĩnh vực sách xuất bản và lứa nhà văn trẻ đã có những cuốn sách bán chạy như Đức Long với “Xóa hết dấu vết trước khi về nhà”, “Buồn làm sao buông” - Anh Khang, “Người yêu cũ có người yêu mới” - Iris Cao… Hà Kin, tác giả của “Chuyện tình New York” từng thú nhận “tác phẩm của tôi chính là một dạng tự truyện”… Nhà văn Nguyễn Thế Hùng đưa ra câu hỏi: “Chừng đó cái tên và chừng đó cuốn sách liệu đã có bao nhiêu nhà văn và bao nhiêu tác phẩm văn học. Liệu họ đã tạo ra được một phong cách, một trào lưu văn học hay khai sinh được một nhân vật văn học điển hình làm đại diện cho văn học trẻ? Hình như chưa”. 

Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ: “Thời của chúng tôi, mọi thứ còn khó khăn gấp bội nhưng chúng tôi không nản chí, tự nuôi lớn một nghị lực bền bỉ để vượt qua, giữ được là chính mình, giữ chất men say của tuổi trẻ, của những khát vọng chỉ thu vào bên trong thôi chứ không bao giờ mất đi”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì mong muốn, văn học trẻ phải thắp lên ngọn lửa yêu nước và khát vọng của dân tộc bởi nếu không trào dâng ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao thơ có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc. Nhân dân và thế hệ trẻ không hề quay lưng với thi ca yêu nước đâu, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên nỗi đau và khát vọng của dân tộc mình. Còn với nhà thơ sinh năm 1980, Đoàn Văn Mật quan niệm rằng, những người viết trẻ hôm nay dù đang tận tâm, tận lực với cái tôi của mình nhưng khi đất nước cần, nhân dân cần thì đương nhiên họ vẫn viết và hát lên bằng cả trái tim nhiệt huyết nhất.