Vẫn chưa thể xử phạt qua “hộp đen”

ANTĐ - Số liệu từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đến nay, toàn bộ 48.000 ô tô trong diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GPS đã hoàn thiện. Vào tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong tháng 7, các cơ quan chức năng sẽ chỉ nhắc nhở, từ tháng 8-2013 mới bắt đầu xử phạt các lỗi liên quan đến hộp đen. 

Việc xử phạt qua hộp đen lại lỗi hẹn

Song, nửa tháng 8 đã trôi qua, GPS, thiết bị được kỳ vọng sẽ góp một phần quan trọng vào việc giảm tần suất vi phạm giao thông, “mắt thần” giám sát cánh lái xe chạy quá tốc độ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Việc xử phạt cũng chưa thể thực hiện.

Hiện nay trên cả nước có 52 nhà cung cấp thiết bị GPS. Sau 3 đợt thanh tra đã thu hồi giấy phép 8 đơn vị, còn 44 nhà cung cấp, với  65 mẫu thiết bị. Các đơn vị vận tải lắp đặt mẫu thiết bị hộp đen với chủng loại, tính năng kỹ thuật và phần mềm quản lý thông tin khác nhau dẫn đến việc tích hợp dữ liệu, truyền dẫn còn bất cập. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, qua kiểm tra tại 8 tỉnh, thành về việc lắp đặt GPS cho thấy, đa số các tỉnh xem nhẹ, buông lỏng quản lý vận tải, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) không có tổ theo dõi ATGT. “Có tới 50 – 60% phương tiện, DN vi phạm. Lỗi chính vi phạm là tốc độ, thứ hai là có thiết bị nhưng không trích xuất được thông tin. Theo quy định, với những vi phạm tốc độ có thể thu giấy phép hoạt động, 80 - 90% các DN kiểm tra đều vi phạm, nếu thu giấy phép hoạt động thì gần như toàn bộ hoạt động vận tải sẽ bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Huyện nhận định. Tính riêng trong tháng 7, lực lượng Thanh tra Bộ GTVT đã kiểm tra 143 lượt, phát hiện 1.528 phương tiện vi phạm, phạt hơn 1 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Công Thủy, Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ cho biết, trong hơn 1 tháng thử nghiệm với việc trích xuất dữ liệu từ 35.000 phương tiện đã bộc lộ một số hạn chế… Khó khăn nữa là việc nhận biết  biển số xe và đơn vị khai thác. Điều này chưa được nhà cung cấp thiết bị cung cấp đầy đủ thông tin, xe của ai, gắn với thiết bị của nhà cung cấp thiết bị nào?

Nhìn nhận về  thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, “Cùng một thiết bị GPS nhưng lại có hai mục đích sử dụng khác nhau. Nhu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước và DN luôn khác nhau. Ủy ban ATGT Quốc gia đã thí điểm về xử lý vi phạm tốc độ thông qua GPS. Chúng tôi dự kiến sẽ công khai tốc độ lái xe trong tháng 8 nhưng chưa làm được chỉ vì một lý do duy nhất là thông tin từ doanh nghiệp gửi về gần như không có xe vi phạm tốc độ. Vì khi xe chạy quá tốc độ trong vòng dưới 1 phút thì không được thể hiện tốc độ trong hộp đen, CSGT thì bắn tốc độ tức thời. Trong khi đó, Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ kiểm tra vẫn phát hiện hàng ngàn vi phạm”.