Vẫn cần một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria

ANTĐ - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại St. Petersburg , LB Nga đã kết thúc với tuyên bố của các nhà lãnh đạo về một loạt các vấn đề kinh tế quan trọng, từ phối hợp thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thương mại song phương, chống gian lận thuế, ngăn ngừa tài trợ khủng bố, chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu… nhưng trong 114 điểm của bản tuyên bố chung không có một điểm nào nói về vấn đề Syria.

Cho dù không phải chủ đề chính trong chương trình nghị sự của một hội nghị về các vấn đề kinh tế, nhưng vấn đề Syria lại là đề tài thu hút nhiều sự chú ý nhất, với những tranh cãi kéo dài đến quá nửa đêm giữa các nguyên thủ ngay trên bàn tiệc, về việc nên hay không nên tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông.

Không sử dụng vũ lực tại Syria

Đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 với mong muốn lôi kéo sự ủng hộ quốc tế về một hành động quân sự chống lại Syria, nhưng Tổng thống Mỹ Obama đã "thất thế" khi rất nhiều quốc gia và cả EU nghiêng về quan điểm không sử dụng vũ lực của Putin. Ngay nỗ lực cuối cùng để vớt vát một chiến dịch vận động dư luận quốc tế của Washington là thuyết phục được 10 đồng minh thân cận ký vào bản tuyên bố chung, thì tuyên bố đó không hề đề cập đến việc tấn công quân sự vào quốc gia này, điều mà Mỹ đang theo đuổi.

Đặc biệt, thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, nguyên thủ châu Âu duy nhất tại G20 lại từ chối ký vào bản tuyên bố chung này, cho hay đã có một sự đồng thuận rộng rãi trong nhóm các nhà lãnh đạo G20 về nhu cầu một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria rằng, tiến trình chính trị cần phải được tiếp tục. Thủ tướng Đức tuyên bố nước này sẽ không tham gia chiến dịch trừng phạt Syria nếu không có nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ). 

Giáo hoàng Francis, dù không tham dự hội nghị, nhưng ngài cũng đã gửi tới lãnh đạo các quốc gia tham dự G20 một bức thư, kêu gọi từ bỏ việc theo đuổi “một giải pháp quân sự vô ích” cho vấn đề Syria. Ngay cả Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực cũng không tham gia chiến dịch trừng phạt Syria và thật sự nhìn thấy một nguy cơ vô cùng lớn từ chính chiến dịch này. 

Trong khi đó, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman van Rompuy đã lên tiếng khẳng định EU tin vào “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Syria, và rằng “không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Syria”. Còn Tổng Thư ký NATO, ông A. Ramussen khẳng định, NATO sẽ không tham gia vào một chiến dịch quân sự tại Syria. 

Do vậy tuyên bố chung của châu Âu tại G20 đó là hối thúc Hội đồng Bảo an  LHQ giải quyết cuộc khủng hoảng theo đường ngoại giao, một quan điểm mà nước chủ nhà Nga từ lâu vẫn khẳng định.

Nếu chiến tranh Syria nổ ra... 

Trong khi thế giới đang nóng lòng chờ đợi kết quả điều tra chính thức về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, thì Mỹ và một số nước đồng minh vẫn khẳng định sẽ tấn công vào Syria với một cuộc tấn công “hạn chế” vào các mục tiêu đã định trước. Nhưng ai cũng biết, quy luật của chiến tranh là leo thang. Không ai dám chắc cuộc tấn công Syria, nếu nó nổ ra, sẽ chỉ dừng lại ở những mục tiêu đã định mà không lan rộng hơn. Các nhà phân tích đã cảnh báo, nếu Syria bị tấn công, nó sẽ làm bùng nổ thêm các cuộc chiến nữa ở Trung Đông, gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn khu vực.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, giải pháp chiến tranh đối với Syria cũng không thể giải quyết được vấn đề mâu thuẫn nội bộ hiện nay ở Syria, mà chỉ làm tình hình thêm phức tạp hơn. Nếu cuộc tấn công quân sự đạt được mục đích, lực lượng đối lập lật đổ được chính thể Bashar al-Assad và thành lập Chính phủ mới. Kịch bản ông al-Assad bị lật đổ và phe đối lập lên nắm quyền cũng sẽ chẳng mang lại điều gì hứa hẹn tốt đẹp cho một đất nước bị chia rẽ bởi các phe nhóm, sắc tộc, tôn giáo đang không thỏa hiệp trong cuộc tranh giành quyền lực ở Syria. Vì thế, tương lai hỗn loạn thời kỳ hậu chiến ở Syria sẽ giống như Iraq, Afganistan hay Lybia đang chìm vào khủng hoảng nhân đạo sâu sắc với con số thường dân thường thiệt mạng vì bị bom đạn lên đến hàng trăm nghìn người - là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Một số các chiến binh Hồi giáo cực đoan sẽ nhanh chóng biến thành các lực lượng khủng bố, họ sẽ lan tỏa đi khắp thế giới, tham gia vào các lực lượng khác như Hezbollah hoặc các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác vốn đã quá nhiều ở khu vực này. 

Nếu cuộc không kích với vài trăm tên lửa hành trình có điều khiển không tiêu diệt được hạ tầng tiềm lực quân sự của Syria - tương tự như chiến dịch Linebacker II năm 1972 , chiến dịch “con cáo sa mạc - 1998”, không có gì chắc chắn rằng lực lượng vô chính phủ “chiến binh hồi giáo Syria” không biến thành mục tiêu tận diệt của lực lượng quân đội Syria với mức độ tàn khốc hơn nhiều lần. 

Thay vào đó, theo giới phân tích thế giới cần phải lùi lại và tránh một cuộc chiến mà không ai thật sự mong muốn. Giải pháp tốt nhất lúc này là tăng cường các nỗ lực ngoại giao để tìm được tiếng nói chung.