Vẫn bế tắc tháo “ngòi nổ” Iran

ANTĐ - Một loạt diễn biến mới liên quan đến Tehran xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này khiến dư luận lo ngại kịch bản tấn công quân sự vào Iran có thể xảy ra. Nga cảnh báo nếu vậy sẽ dẫn đến hậu quả “thảm khốc”.
      

AFP đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Matxcơva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga

Alexander Lukashevich ngày 22-2 cho biết: “Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ sử dụng căn cứ không quân Manas tại sân bay Bishkek của Kyrgyzstan để tiến hành các cuộc xung đột tiềm tàng với Iran”. Tuy nhiên Matxcơva cũng bày tỏ hy vọng việc đó sẽ không xảy ra.

Mỹ và đồng minh chính trong khu vực là Israel chưa bao giờ loại bỏ khả năng tấn công quân sự vào Iran nhưng Nga luôn khẳng định vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Website Eurasianet nhận định nếu Mỹ muốn tấn công Iran, nước này không thiếu điều kiện: Họ có một căn cứ không quân ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, hạm đội hải quân ở Bahrain, và tất nhiên là lực lượng quân sự trọng yếu ở Afghanistan. Tại sao Mỹ lại chọn Manas - nơi sẽ hết hạn hợp đồng thuê căn cứ vào mùa hè năm 2014 là điều ông Lukashevich không nhắc đến.

Cũng trong ngày hôm qua, truyền thông Mỹ đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ có chuyến thăm chính thức đến Mỹ dự kiến vào ngày 4-3 tới theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Mỹ cho rằng đây là một cơ hội để thảo luận nhằm tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa Israel và Mỹ. Mặc dù Nhà Trắng chưa tiết lộ chủ đề chính mà các nhà lãnh đạo hai nước Israel và Mỹ sẽ thảo luận trong chuyến thăm này nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng nội dung đàm thoại sẽ liên quan đến vấn đề hạt nhân của Tehran. Vì thế, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel càng làm dấy lên lo ngại có thể xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran.

Trong một động thái khác, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn thông báo của Phòng Thông tin liên lạc và quan hệ công chúng Hạm đội 5 thuộc lực lượng Hải quân Mỹ hôm 21-2 cho biết, tàu sân bay hạt nhân USS Carl

Vinson của Mỹ đã tiến vào Vịnh Persian để thay thế nhiệm vụ của tàu sân bay USS Abraham Lincoln mới rời vịnh này trước đó không lâu. Hôm 17-2, tàu sân bay USS Carl Vinson sau khi vượt qua Eo biển Hormuz đã hạ neo tại cảng Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.

Cùng ngày, đoàn chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA của Liên hợp quốc đã rời Tehran mà không đạt được thỏa thuận nào với Iran xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.  Phản ứng trước sự kiện này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov ngày 22-2 khuyên các nước không nên đưa ra kết luận sớm bởi “Viễn cảnh tấn công quân sự vào Iran sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho cả khu vực cũng như hệ thống quan hệ quốc tế”.

Trước sự cô lập ngày càng lớn của quốc tế, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Hejazi ngày 21-2 tuyên bố, Tehran sẽ tấn công phủ đầu kẻ thù nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này cảm thấy những lợi ích quốc gia của mình bị đe dọa. “Chiến lược hiện nay của chúng tôi là nếu thấy kẻ thù muốn huỷ hoại các lợi ích quốc gia của Iran hay muốn đưa ra những quyết định như vậy, chúng tôi sẽ hành động trước chứ không ngồi chờ họ ra tay“, ông Hejazi nói.