Vẫn băn khoăn lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

ANTD.VN - Sáng 9-6, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Còn nhiều yếu tố khiến du lịch Việt Nam khó cất cánh

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo xây dựng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoàn thiện, cùng sự tham gia đóng góp của Hiệp hội, các doanh nghiệp và nhiều tổ chức. Dự thảo trình Quốc hội lần này nội dung ngắn gọn, rõ ràng lộ trình, khả thi (có 9 Chương, 82 Điều). Tại buổi tọa đàm, hai nội dung được các đại biểu tập trung trao đổi là xếp hạng cơ sở lưu trú và quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Có nên theo xu thế thế giới?

Về vấn đề lựa chọn 2 phương án: Các cơ sở lưu trú du lịch tình nguyện đăng ký xếp hạng hoặc bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau khi kinh doanh 6 tháng, đa phần các ý kiến đều cho rằng không nên bắt buộc các doanh nghiệp lưu trú đăng ký xếp hạng sao.

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước đây tất cả các nước trên thế giới đều tập trung vào các xếp hạng để khẳng định thương hiệu, chất lượng dịch vụ của một khách sạn.

Toàn bộ xếp hạng đó theo tiêu chuẩn nhà nước ban hành chi tiết, từ 1-5 sao thì phải đáp ứng yêu cầu thế nào; sao của khách sạn khẳng định chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thương hiệu có mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, thương hiệu không chỉ được xây dựng bằng sao, mà còn bằng chính năng lực, kết quả làm việc, nhiều khách sạn không cần xếp hạng cũng khẳng định được. Thế giới đang dần ngả sang xu thế này.

Việc xếp hạng, nên để doanh nghiệp tình nguyện với mong muốn bảo hộ thương hiệu. Thực chất, tự nguyện hay bắt buộc không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp vẫn có thể đến đăng ký để được cơ quan quản lý, xem xét, kiểm tra để phong sao. Những doanh nghiệp không đăng ký vẫn được quyền kinh doanh tự do nhưng họ không được quyền tự gắn sao, mạo nhận sao hoặc tự quảng cáo bởi thế sẽ vi phạm điều cấm trong Luật Du lịch.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng: “Nếu bắt phải xếp hạng thì lại là đưa ra một mức cấm mới cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi các cơ sở lưu trú tình nguyện đăng ký xếp hạng thể hiện sự thông thoáng, thoải mái không bị ràng buộc của Luật Du lịch, là một bước tiến cho mọi người tiệm cận với tự do”.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế có quan điểm tương đồng: “Du khách mới chính là người quyết định khách sạn đó ở hạng sao nào chứ không phải ông chủ khách sạn hay Nhà nước quyết định”. Điều quan trọng nhất là cơ sở lưu trú làm thế nào để thu hút du khách và đảm bảo phục vụ du khách một cách tốt nhất.

Đôi khi đó còn là chiến lược kinh doanh, nguyện vọng của từng chủ đầu tư. Ví như những khách sạn chỉ muốn đăng ký hạng 4 sao dù cơ sở vật chất đạt chuẩn của khách sạn 5 sao để du khách được hưởng thụ nhiều hơn; hay ở Thụy Sĩ, có những khách sạn 0 sao luôn đạt tối thiểu 80% công suất hoạt động.

Mặc dù vậy, ông Hoàng Văn Tuyên - Hiệp hội Du lịch Lào Cai đưa quan điểm trái chiều: “Đăng ký xếp hạng sao là để bảo vệ quyền lợi của du khách, người tiêu dùng”. Bà Vũ Thị Tuệ, chủ khách sạn Ninh Bình Hidden Charm cũng chỉ ra lợi ích của việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc bắt buộc: “Đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, thuận lợi cho công tác quản lý về chất lượng cơ sở lưu trú. Cùng với phương án này là quy định cơ sở lưu trú du lịch phải thẩm định lại sau 3 năm xếp hạng”. 

Quỹ hỗ trợ du lịch không dễ hình thành

Xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là vấn đề được các doanh nghiệp du lịch và các đại biểu tham dự tọa đàm dành nhiều quan tâm. Dự thảo Luật Du lịch lần này đã bỏ quy định về lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài; Tăng vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp (kể cả thành lập văn phòng xúc tiến ở nước ngoài). Nội dung Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã làm rõ hơn Mục đích thành lập Quỹ, xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ; Quy định nguồn hình thành Quỹ là từ 3 nguồn (Nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện, các nguồn hợp pháp khác).

Ông Vũ Thế Bình cho biết: “Nội dung hoạt động của quỹ chủ yếu là xúc tiến du lịch. Để tồn tại nó phải thỏa mãn 2 vấn đề, một là làm sao để thu được quỹ, nguồn cung cấp cho quỹ đó là ở đâu. Hai là quản lý quỹ đó như thế nào”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, muốn tái tạo được quỹ phải tìm ra nguồn thu, nguồn thu ổn định nhất là thu trực tiếp từ khách du lịch và các doanh nghiệp du lịch. “Bởi ở Việt Nam  sân nhà ai người nấy quét, ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến quá nhiều sân, cái chổi của ngành du lịch bé quá không thể quét cái sân chung. Đó là lý do tại sao mà quỹ 12 năm qua vẫn không làm được”, ông Vũ Thế Bình nói.