Khai trương xử lý nợ xấu:

VAMC, chìa khóa vạn năng?

ANTĐ - Sau bao mong đợi, ngày 26-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ khai trương hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đây chính là công cụ quan trọng để giải quyết “khối u” tài chính - nợ xấu tại các ngân hàng. Được thành lập theo theo Quyết định số 1459 ngày 27-6 của Thống đốc NHNN Việt Nam; VAMC là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của NHNN Việt Nam.  

VAMC, chìa khóa vạn năng? ảnh 1
VAMC được thành lập nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính,
giảm thiểu rủi ro cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (Ảnh minh họa)


Xoay xở với nợ xấu

Với số vốn 500 tỷ đồng nhỏ nhoi so với con số nợ xấu được công bố nhiều trăm ngàn tỷ đồng và dự đoán mơ hồ về số nợ xấu thực lên đến hàng triệu tỷ đồng, chưa ai có thể tiên đoán được VAMC sẽ xoay xở ra sao. Theo chính NHNN, tỷ lệ nợ xấu đã tăng kể từ đầu năm 2013. Cụ thể, sau khi giảm từ mức 4,86% của tháng 11-2012 xuống 4,08% trong tháng 12-2012, tỷ lệ nợ xấu đã liên tục tăng, thời điểm gần nhất là đến tháng 4-2013 với 4,67%. Còn theo con số của cơ quan chức năng công bố đến cuối tháng 5-2013 là 4,65%. Tỷ lệ nợ xấu nói trên được cập nhật và công bố dựa trên tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD). Còn Thanh tra NHNN đánh giá con số nợ xấu cao hơn nhiều (từ 8 - 10% tùy thời điểm công bố).

Việc mua nợ xấu của VAMC được dư luận quan tâm nhất. Theo ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN, thành viên Hội đồng kiêm Tổng giám đốc VAMC, đơn vị này sẽ mua nợ xấu theo hai cách. Một là mua đúng giá trị sổ sách của các ngân hàng, trả bằng trái phiếu đặc biệt. Kiểu mua bán này thật sự chỉ là VAMC nhận nợ xấu hộ ngân hàng, còn trách nhiệm đòi nợ, trích lập dự phòng rủi ro vẫn của ngân hàng. Hai là VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, trả bằng tiền mặt. Đây là giải quyết nợ xấu tận gốc. VAMC sẽ tiếp nhận các tài sản thế chấp, số tài sản này để thu tiền về, tiếp tục mua khoản nợ khác. Tuy nhiên với 500 tỷ đồng tiền vốn, hiệu quả của việc xử lý này chắc không lớn. 

Khó khăn nhất là việc bán nợ xấu không có lợi với các ngân hàng và vì vậy, chắc chắn ngân hàng không muốn bán nợ xấu cho VAMC. Dẫu đã có “vũ khí” trong tay là Nghị định 53/CP của Chính phủ, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC nhưng chắc chắn việc thỏa thuận với các ngân hàng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian. Chưa kể với vô số thủ thuật của các ngân hàng thì việc biến một món nợ xấu thành không xấu dễ như trở bàn tay. Một số các quy định của VAMC đang được cho là làm khó các ngân hàng. Ví dụ, một trong những điều kiện để VAMC mua nợ là khoản nợ phải được bảo đảm bằng tài sản. Trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Như vậy VAMC được phép “lọc” nợ xấu, chỉ mua những khoản nợ tốt, có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, các ngân hàng cần nhất là giải quyết được những khoản nợ xấu thực sự.

Quy định VAMC chỉ mua những món nợ 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân, từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức là bất hợp lý. Thêm nữa, ngân hàng không muốn bán rẻ khoản nợ, còn VAMC cũng không mua nếu thấy rủi ro. NHNN có quy định VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, nhưng cơ sở để mua nợ xấu theo giá thị trường lại chưa có. Thực tế có những khoản nợ mà ngân hàng ra giá là 70%, nhưng công ty mua bán nợ và tài sản của Bộ Tài chính chỉ trả 40%.  Vậy với VAMC sẽ đánh giá như thế nào? NHNN dự kiến Công ty này sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%/năm. Đó là một chỉ tiêu rất khó thực hiện được. 

Nhưng quan trọng hơn cả, giải quyết nợ xấu chỉ bằng các biện pháp sổ sách, kỹ thuật nhưng VAMC lại được hưởng 2% số nợ, lợi nhuận quá khủng sẽ gây phản ứng của chính các ngân hàng.

Về năng lực và pháp lý

Do các lĩnh vực hoạt động của VAMC quá rộng và phức tạp, lại được thành lập trong một thời gian quá ngắn, kinh nghiệm chỉ được tham khảo từ một số mô hình nước ngoài mà điều kiện khác hẳn Việt Nam, nhiều chuyên gia đang lo lắng về năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Theo NHNN, đến nay VAMC đã xây dựng được bộ máy với những cán bộ có năng lực trình độ, có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành ngân hàng, đặc biệt có thâm niên trong mảng tín dụng, xử lý nợ. Tuy nhiên, với số lượng lớn các TCTD, số lượng đồ sộ các khoản nợ xấu, số lượng cán bộ nhỏ nhoi đó của VAMC hoàn toàn không thể đáp ứng được, nhất là với chỉ tiêu xử lý 50.000-70.000 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2013.

Một nỗi lo khác là hành lang pháp lý cho các hoạt động mua bán nợ, xử lý tài sản thế chấp đòi hỏi phải có sự thay đổi một số các quy định pháp luật lại không thuộc quyền Bộ Tài chính, thậm chí phải cần đến Quốc hội. Những sự thay đổi này cần đến những khoảng thời gian vô hạn, trong đó yêu cầu xử lý nợ xấu đang nóng, thậm chí rất nóng. Ở nhiều quốc gia, giải quyết nợ xấu phải cần đến một đạo luật đặc biệt, mà chúng ta chưa có. Vậy VAMC sẽ xoay xở ra sao? Kinh nghiệm cho thấy, nhiều khi cả người cho vay lẫn người vay đều đồng thuận bán tài sản trả nợ nhưng vướng các quy định pháp lý nợ vẫn nằm yên, tài sản thì để thời gian ăn mòn.

Rõ ràng việc VAMC đi vào hoạt động là một việc đáng mừng, đáp ứng được mong đợi, nhưng mà nhiều nỗi lo…