Vai trò tích cực của Việt Nam trong ASEAN để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lâu nay, nhiều hội nghị của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành diễn đàn tranh cãi gay gắt giữa các bên liên quan đến Biển Đông, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra cũng không phải là ngoại lệ, đòi hỏi sự khéo léo của Việt Nam trong vai trò nước chủ trì hội nghị, vừa điều phối hợp tác đa phương, vừa bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông.
Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực của nước chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 để điều phối hợp tác đa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông

Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực của nước chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 để điều phối hợp tác đa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông

Biển Đông - Chủ đề căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 (AMM 53), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án các yêu sách Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông và “các hành động gây hấn” của Bắc Kinh. Tái khẳng định lập trường của Mỹ về Biển Đông, ông Mike Pompeo khuyến khích các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất duy trì quan điểm chung về hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phản bác lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - người cùng tham gia Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á cho rằng Mỹ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông và họ làm như vậy là vì các nhu cầu chính trị của nước này. Ông Vương Nghị còn cáo buộc Mỹ chính là động lực làm gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông.

Kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra Tuyên bố Hà Nội tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 24-7-2010 khẳng định sự “tái can dự” hay “nước Mỹ đã trở lại” với vấn đề Biển Đông, chính sách của Mỹ với vùng biển này đã định hình tương đối rõ. Mặc dù tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông nhưng Mỹ khẳng định mình có “lợi ích quốc gia” trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Sau thời điểm đó, gần như mọi sự điều chỉnh của Mỹ đều được tiến hành sau các sự cố nghiêm trọng xảy ra trong khu vực có liên quan tới Trung Quốc. Đặc biệt những năm gần đây, khi vấn đề Biển Đông liên tục nóng lên bởi những hành động diễn tập quân sự đơn phương, cải tạo đảo đá, xây dựng hệ thống công trình quân sự, bố trí hỏa lực trên các cấu trúc đảo nhân tạo… của Trung Quốc, các hội nghị có liên quan đến ASEAN như Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) thường trở thành nơi “đối đầu” căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, thì Mỹ cho rằng mình có “lợi ích quốc gia” tại khu vực này. Tranh cãi gia tăng đến mức báo chí mô tả như những cuộc “đấu khẩu” Mỹ - Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN. Còn nhớ tại Hội nghị ADMM+ hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tranh cãi gay gắt với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Trong khi ông Mark Esper công khai cáo buộc Bắc Kinh “tăng cường sử dụng các hành động cưỡng ép và dọa nạt” để đạt được mục tiêu chiến lược trên Biển Đông, thì ông Ngụy Phượng Hòa cho rằng Mỹ nên “ngừng can thiệp và ngừng khiêu khích quân sự trên Biển Đông”.

Việt Nam hoạt động tích cực để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề chung của ASEAN bởi nó tác động đến an ninh và hòa bình của khu vực. Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các bên liên quan vốn đã gay gắt lại thêm các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài, ASEAN phải làm thế nào để khẳng định vai trò trung tâm của mình trong những vấn đề hệ trọng của khu vực, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông.

Điều quan trọng trước hết là trong những năm gần đây, lãnh đạo ASEAN đã không né tránh vấn đề Biển Đông tại các hội nghị cấp cao khu vực. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm bởi trong quá khứ, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 45 diễn ra tại Campuchia hồi tháng 7-2012 đã không thể đưa ra thông cáo chung do không tìm được tiếng nói chung về cách thức xử lý cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa 4 nước thành viên ASEAN (Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam) với Trung Quốc ở Biển Đông. Lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN, một hội nghị cấp bộ trưởng kết thúc mà không đưa ra được thông cáo chung.

Tuy nhiên, trước sự gia tăng đáng kể các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây, các nước ASEAN có liên quan ngày càng tỏ ra thống nhất trong các tuyên bố phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc tại vùng biển này. Điều này có thể thấy qua một loạt công hàm/công thư mới đây của Malaysia, sau đó là Philippines, Việt Nam, Indonesia gửi Liên hợp quốc phản bác yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.

Đặc biệt, Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tại Hà Nội ngày 26-6-2020 cho thấy những bước tiến mới trong sự đoàn kết của khu vực trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Đây là tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ, thể hiện sự đồng thuận của ASEAN trong việc mong muốn và hành động nhằm giải quyết các vấn đề Biển Đông dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã hoạt động rất tích cực để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, đồng thời bảo đảm cho các hội nghị của ASEAN trong năm 2020 diễn ra thành công, đem lại kết quả tích cực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 do Việt Nam chủ trì, Việt Nam là nước dự thảo bản Thông cáo chung đầu tiên và đưa ra thương lượng cùng với các nước để đàm phán, xây dựng dự thảo. Việc đàm phán để xây dựng nên dự thảo đã kéo dài trong hơn một tuần và đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước.

Liên quan đến Biển Đông, tại hội nghị lần này, đây được coi là nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực. Trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đều khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời nhất trí ASEAN cần kiên trì lập trường nguyên tắc, trong đó kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời cần tiếp tục đề cao hơn nữa luật pháp quốc tế.

Vấn đề Biển Đông còn được đề cập thích đáng trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, thể hiện sự quan tâm và những quan điểm cơ bản cũng như những mong muốn của ASEAN, trong đó có việc ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chất lượng, tổng thể và phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.