Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (2)

ANTĐ - Tàu ngầm Kilo Việt Nam được trang bị đầy đủ các hệ thống vũ khí để đảm nhận các nhiệm vụ tấn công mặt nước, đối ngầm, đối đất và phòng không. Vũ khí chính của nó là các loại thủy lôi và ngư lôi chống ngầm; tên lửa hành trình chống hạm và đối đất, cùng với hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp. Những loại vũ khí đa dạng này đều có uy lực rất mạnh, tạo nên khả năng tác chiến đa nhiệm cho tàu ngầm Kilo.

Kilo có khả năng đảm nhận nhiều vai trò, chức năng khác nhau

Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (1)
Kilo có tính năng kỹ thuật ưu việt trong số các tàu ngầm thông thường.
Hệ thống vũ khí mạnh giúp tàu có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ.

Tàu ngầm Kilo có nhiệm vụ tìm kiếm, bí mật theo dõi và tấn công tiêu diệt tầu ngầm của đối phương, đảm nhận trách nhiệm chống ngầm bảo vệ lực lượng hải quân của ta; Trinh sát, bám nắm và tiêu diệt các cụm tầu nổi (hàng không mẫu hạm; tàu khu trục, hộ vệ; tàu hậu cần, bổ trợ; tàu trinh sát kỹ thuật, đo đạc âm hưởng…) của hải quân đối phương; Tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch trên mặt đất hoặc hỗ trợ lực lượng đánh chiếm, tái chiếm đảo.

Nó có thể bí mật thiết lập các trận địa thủy lôi nhằm phong tỏa cảng, vùng biển, luồng đường. Hệ thống phóng ngư lôi 533mm trên tàu ngầm Kilo còn có chức năng dùng để rải lôi với cơ số tối đa 24 quả thủy lôi DM-1. Thủy lôi sau khi được phóng ra khỏi tàu ngầm sẽ khởi động các sensor thủy âm, điện từ trường, sonar thụ động ở chế độ chờ, và khi mục tiêu đến, chủ động kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu.

Ngoài ra, tàu ngầm Kilo còn có thể đảm nhận rất nhiều chức năng khác như: Thực hiện các hoạt động trinh sát, dẫn đường cho các lực lượng của ta tiếp cận đối phương, chỉ thị mục tiêu cho các phương tiện hỏa lực; Bí mật áp sát các cảng, căn cứ hải quân địch, thực hiện nhiệm vụ đổ bộ các lực lượng đặc công nước tiến hành trinh sát thực địa, tấn công phá hoại, bóc gỡ chướng ngại vật ngầm…

Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (2) ảnh 1

Tàu ngầm Kilo có vai trò rất quan trọng trong hình thái “phòng ngự chủ động” của hải quân nhân dân Việt Nam (Ảnh: Quân đội nhân dân)


Tầu ngầm Kilo có thể triển khai các hoạt động tác chiến đơn lẻ hoặc thuộc biên chế của một cụm tàu ngầm hoặc nằm trong đội hình một biên đội tàu hỗn hợp (tàu ngầm, tàu mặt nước). Tàu ngầm Kilo có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong mọi hình thái chiến thuật như: Phục kích, đón lõng theo kế hoạch; mật tập mục tiêu xác định; cơ động tấn công theo yêu cầu khẩn cấp hoặc tao ngộ chiến…

Với 3 hình thức chiến thuật trên thì tàu ngầm Kilo có thể tấn công với sự chuẩn bị trước các thông số kỹ chiến thuật từ Trung tâm chỉ huy tác chiến hải quân và bằng các thiết bị trinh sát tự thân tầu ngầm. Trong điều kiện này, đòi hỏi phải có sự phối hợp hợp, hiệp đồng và chỉ huy thống nhất tất cả các lực lượng máy bay trực thăng, máy bay trinh sát cánh cố định, tàu mặt nước, các hệ thống radar đối hải, các thiết bị cảm biến âm thanh…

Còn với hình thức sau thì Kilo cần phải phát động đòn tấn công “Tiên phát chế nhân”, tấn công nhanh không có sự chuẩn bị trước mà chỉ dựa vào các số liệu trinh sát của chính nó. Vì vậy, ở hình thức này độ nhạy và cự ly trinh sát, phát hiện của các thiết bị sonar, radar… đóng vai trò quyết định; tốc độ xử lý số liệu của thiết bị phân tích trên tàu ngầm cũng phải vượt trội so với đối phương để kịp thời xác định phương án, ra đòn tấn công tiêu diệt địch trước.

Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (2) ảnh 2

Tàu ngầm Kilo có khả năng tấn công đối thủ trước khi địch phát hiện ra

Điểm hạn chế của Kilo

Một điểm yếu duy nhất của Kilo và cũng là điểm yếu chung của tất cả các loại tàu ngầm là đối phó với máy bay săn ngầm. Kilo được trang bị hệ thống phòng không bao gồm 8 quả tên lửa tầm thấp Strela-3, chuyên dụng để đối phó với các mục tiêu máy bay cánh cố định và trực thăng săn ngầm, UAV bay thấp. Tuy nhiên, hệ thống phòng không này không thực sự hiệu quả do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất là tính năng của hệ thống tên lửa phòng không này quá thấp (tầm bắn tối đa 4,1km, độ cao mục tiêu từ 30m tới 2,3km). Loại tên lửa này thực tế chỉ giúp nó đối phó được với trực thăng và UAV, còn các máy bay săn ngầm cánh cố định trên thế giới hiện nay đều có trần bay tối đa từ 10-15km, trần bay hiệu quả tầm 6km, vượt qua độ cao tấn công của tên lửa. Vì vậy Kilo không thể đối phó với những loại máy bay này.

Thứ 2: Do tên lửa không thể phóng từ dưới mặt nước nên quy trình phóng tên lửa phòng không trên Kilo không thực sự linh hoạt, Hệ thống tên lửa này được bố trí trên đài điều khiển bên trong một khoang kín nước. Giá phóng sẽ được đưa lên bằng một hệ thống thủy lực để ngắm bắn mục tiêu. Lúc đó con tàu sẽ phải nổi lên sát mặt nước, bộc lộ hành tung. Do vậy, hệ thống chỉ dùng để tự vệ trong trường hợp nổi lên thì bị phát hiện.

Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (2) ảnh 3

Tàu ngầm Kilo tấn công phá hủy một đài radar cảnh giới biển


Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu chung của tất cả các loại tàu ngầm trên thế giới, xuất phát từ chính vai trò nhiệm vụ của chúng. Với đặc điểm là các sát thủ dưới đáy biển, tàu ngầm chỉ bộc lộ mình những khi thật cần thiết. Vì vậy, khả năng phòng không của chúng đơn thuần để chỉ tự vệ, sử dụng những khi không thể che giấu được hành tung, còn cơ bản là các tàu ngầm chọn phương thức cơ động lẩn tránh để đào thoát khỏi “mắt thần” của các phương tiện săn ngầm.

Trên thực tế, các máy bay săn ngầm nếu không phán đoán được hoạt động của tàu ngầm thì rất khó phát hiện được chúng trên một vùng biển lớn. Hơn nữa, trong thực tế tác chiến, các tàu ngầm thường có sự phối hợp tác chiến chặt chẽ với các tàu mặt nước và lực lượng không quân, nên lực lượng máy bay săn ngầm (cả cánh cố định và trực thăng) của đối phương vốn có vận tốc rất chậm sẽ khó mà yên ổn để săn đuổi tàu ngầm.

Hiểm họa lớn nhất đối với các tàu ngầm hiện nay đến từ các hệ thống cảm biến âm thanh đặt dưới nước, đối phương sẽ rải các thiết bị cảm biến âm thanh dưới đáy biển để trinh sát, phát hiện tàu ngầm. Hiện nay, Mỹ là nước đi đầu trong hình thức trinh sát kiểu này với một mạng lưới các hệ thống cảm biến dưới đáy biển trên khắp các đại dương, được lắp đặt từ thời chiến tranh lạnh để chuyên đối phó với tàu ngầm Liên Xô. Tuy nhiên, ngoài tàu ngầm ra, các tín hiệu truyền về phải được thu nhận bởi các tàu trinh sát kỹ thuật hoặc tàu đo đạc âm hưởng nên đây cũng là điểm yếu của phương thức này.

Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (2) ảnh 4

Tên lửa hành trình đối hạm 3M-54E có uy lực tấn công rất lớn


Kilo có ý nghĩa rất quan trọng đối với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Canada là Kanwa Defence Review cũng nhận định, so với loạt 8 tàu ngầm Kilo 636MK của Trung Quốc, tàu ngầm 636MV của Việt Nam được ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn, có nhiều cải tiến về kính tiềm vọng, trang bị trinh sát điện tử, ngói khử âm, hệ thống duy trì sự sống cho thủy thủ trên tàu ngầm…, đồng thời có hỏa lực mạnh hơn so với các tàu ngầm cùng lớp sản xuất trong các dự án trước đó như 877EKM, 636MK...

Có thể khẳng định là sau khi được bàn giao tàu, lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam đã có một loại vũ khí “tàng hình” có khả năng tấn công toàn diện đối không, đối hải, đối đất rất mạnh, một lợi khí trong tác chiến biển, một trang bị phòng thủ từ xa rất hữu hiệu để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích hải dương của Việt Nam. Tuy nhiên, để biên đội tàu ngầm Việt Nam hình thành được năng lực tác chiến không phải điều đơn giản.

Tàu ngầm là loại trang bị tiên tiến lần đầu tiên chúng ta được sở hữu. Vì thế phải xây dựng từ đầu các cơ sở hạ tầng hậu cần, kỹ thuật, huấn luyện cho riêng nó và phục vụ công tác hiệp đồng với các quân binh chủng khác. Ví dụ như: Trung tâm chỉ huy tác chiến hải quân, trong đó phải bao gồm các hệ thống thông tin và chia sẻ số liệu tàu ngầm, thông tin máy bay cảnh báo sớm, radar đối hải, liên lạc với tàu mặt nước, lực lượng bảo vệ bờ biển...

Vai trò tàu ngầm Kilo trong “phòng thủ chủ động” của hải quân Việt Nam (2) ảnh 5

Mô phỏng đường bay tấn công một mục tiêu bờ biển của tên lửa hành trình đối đất 3M-14E


Có thể nói, sở hữu tàu ngầm Kilo thế hệ mới đối với hải quân Việt Nam là một bước ngoặt thực sự, nó đã mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Việt Nam từ gần bờ ra xa bờ, từ trên mặt nước xuống tận đáy biển. Việc trang bị tàu ngầm Kilo đã khiến hải quân Việt Nam có khả năng khống chế những vùng biển rộng hơn mà không cần tăng cường quá nhiều tàu mặt nước, giúp hải quân Việt Nam có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển từ xa.

Với 6 tàu ngầm Kilo làm nòng cốt, trong tương lai Việt Nam cần trang bị thêm các tàu ngầm cỡ nhỏ hoặc tàu ngầm mini để hình thành bộ khung tác chiến cho binh chủng tàu ngầm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng căn cứ nước sâu trên đất liền và căn cứ dã chiến trên các đảo làm bàn đạp đứng chân cho lực lượng tác chiến ngầm, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng tàu mặt nước và các lực lượng khác trong thế trận hải quân nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam.