Vai trò của Báo chí đối với Quốc hội rất quan trọng

ANTĐ - Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015) Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã khẳng định: “Báo chí luôn kịp thời phản ánh những thông tin trung thực, chính xác trong cuộc sống xã hội và có vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động của Quốc hội (QH)”.  

Bên hành lang Quốc hội ngay giữa phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí với Quốc hội. Báo chí đã đem ý kiến của cử tri phản ánh tới QH. Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí đối với các hoạt động của QH”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ví dụ liên quan đến việc sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, vai trò của báo chí rất quan trọng. Báo chí đã tiếp thu, phản ánh những ý kiến, nhận xét của người dân, các doanh nghiệp thông qua kênh tuyên truyền để truyền tải đến các ĐBQH, giúp ĐBQH nắm chắc thêm thông tin và từ đó có những quyết sách để điều chỉnh cho phù hợp với dự án luật.

PV- Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa phóng viên báo chí với các ĐBQH?

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo tôi, ĐBQH và phóng viên báo chí phải gắn kết với nhau như những người bạn đồng hành. Tôi cũng mong muốn báo chí truyền tải được những ý kiến của ĐBQH trên tinh thần đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng ý kiến của ĐB, tránh đưa tin, giật tít giật gân, câu khách, không đúng sự thật.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 12-6

PV- Gần đây xảy ra tình trạng Nhà báo bị hành hung và từ đó đặt ra vấn đề hành lang pháp lý bảo vệ các Nhà báo như thế nào cho đủ mạnh. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Tôi phản đối việc hành hung Nhà báo, vì đó là những hành vi không đẹp, thiếu văn hóa, thể hiện sự thiếu tôn trọng Nhà báo đã được Luật báo chí bảo vệ. Tới đây, khi QH sửa Luật báo chí, cần phải có sự quan tâm cụ thể hơn nữa để xây dựng Luật có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm khắc việc hành hung Nhà báo. Theo tôi, Nhà báo là những người mang đến cho độc giả và mọi người dân những thông tin nhiều chiều, để đánh giá đúng thực chất mọi vấn đề. Thế nhưng, khi chỉ ra những hành vi xấu, lại bị phản ứng xấu từ phía xã hội là không thể chấp nhận được.


PV
- Có ý kiến cho rằng, hoạt động báo chí phải được coi là thi hành công vụ, ông đánh giá đề xuất này như thế nào?

- Tôi tin rằng, tới đây khi sửa Luật báo chí, các ĐBQH sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất quan trọng này để xem xét, đưa vào luật.


PV-
Ông đánh giá như thế nào khi có ý kiến cho rằng, chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cho Nhà báo và đó là lý do làm giảm sút ý chí chiến đấu của Nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực?

- Chúng ta đang đấu tranh mạnh với tham nhũng và tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong lĩnh vực này. Nếu phòng chống tham nhũng mà thiếu thông tin do báo chí cung cấp, tuyên truyền, thì không thể có hiệu quả. Vừa qua, có một số Nhà báo bị hành hung và những hành vi hành hung Nhà báo đều đáng bị lên án. Những vụ việc này đều đã được các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm.


PV
- Trong quan hệ giữa báo chí với QH, các ĐBQH coi báo chí như một kênh thông tin hỗ trợ cho việc giám sát của QH. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?

- Trong quá trình ĐBQH giám sát có rất nhiều kênh thu thập tài liệu cần giám sát và QH cũng có cơ chế mở cho ĐB giám sát. Tức là, ĐBQH có thể giám sát ở nơi khác ngoài nơi họ ứng cử. Bên cạnh đó, ĐBQH còn có những kênh thông tin từ báo chí, và kênh này giúp  ĐBQH có thêm tài liệu phục vụ công tác giám sát được tốt hơn. Vừa qua, khi QH chọn các vị Bộ trưởng đăng đàn chất vấn, ngoài những kênh thông thường như tiếp thu ý kiến của cử tri,  ĐBQH cũng tiếp thu được từ báo chí rất nhiều lượng thông tin phản ánh những vấn đề cử tri quan tâm, từ đó chọn vấn đề đưa lên nghị trường. Báo chí đã giúp ĐBQH chọn những vấn đề, nhóm vấn đề “nóng”  để thảo luận trên nghị trường. Việc chọn 4 vị Bộ trưởng chất vấn trong kỳ họp này cũng dựa trên nguyên tắc đó và QH đã chọn các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn đợt này rất đúng, trúng các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. ĐBQH chất vấn các Bộ trưởng những vấn đề cũng rất sát với thực tiễn cuộc sống, được cử tri hoan nghênh.


PV
- Với tư cách là người phát ngôn của QH, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình đối với các Nhà báo nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?

- Tôi mong muốn các Nhà báo luôn có dũng khí, với ngòi bút sắc phản ánh kịp thời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, và những hoạt động của QH phục vụ lợi ích nhân dân. Tôi cũng mong muốn các Nhà báo phản ánh các vấn đề hết sức trung thực những vấn đề cốt lõi được QH bàn thảo, kịp thời mang thông điệp đó truyền tải tới cử tri, người dân nắm được. Tới đây, Văn phòng QH và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thành lập và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) phóng viên theo dõi QH và tôi cũng mong muốn các Nhà báo tích cực tham gia CLB này, để gắn kết chặt chẽ với nhau trong từng công việc cụ thể.


PV-
Xin trân trọng cảm ơn ông!