Vai trò của ASEAN trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Myanmar không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống chính trị và người dân nước này mà còn ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực. ASEAN với vai trò của một tổ chức gồm 10 nước Đông Nam Á cần giữ vai trò trung tâm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trong cuộc họp không chính thức của ASEAN về tình hình Myanmar

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trong cuộc họp không chính thức của ASEAN về tình hình Myanmar

Hành động sớm của ASEAN

Dù đã có những nỗ lực của các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế nhưng cuộc khủng hoảng tại Myanmar chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar vào ngày 15-3 đã mở rộng lệnh thiết quân luật ra 4 quận mới ở thành phố Yangon lớn nhất nước.

Trước đó, lệnh thiết quân luật cũng đã được ban bố tại 2 quận khác thuộc cố đô này của Myanmar sau khi xảy ra vụ việc một số nhà máy bị đốt phá trong các cuộc biểu tình. Trong khi đó, các cuộc biểu tình và đụng độ vẫn tiếp tục xảy ra khiến số người thiệt mạng lên tới hơn 100 trăm người, cùng hàng nghìn người bị bắt giữ.

Myanmar rơi vào bất ổn và khủng hoảng chính trị kể từ ngày 1-2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước lãnh đạo. Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, tuy nhiên Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.

Quân đội Myanmar ngay sau đó đã ra sắc lệnh ban bố trình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, bắt đầu từ ngày 1-2-2021, và quyền lực Nhà nước được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing, làm Chủ tịch. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính.

Tình hình bất ổn tại Myanmar đã gây lo ngại sâu sắc, nhất là đối với khu vực và thế giới, trong bối cảnh rất cần duy trì an ninh, ổn định và hợp tác để tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cuộc họp ngày 10-3 vừa qua đã ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Myanmar ngày 1-2, việc bắt giữ các thành viên chính phủ và kêu gọi thả ngay những người này. Cơ quan có trách nhiệm cao nhất duy trì hòa bình và an ninh của tổ chức Liên hợp quốc cũng nhất trí lên án “hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, bao gồm cả phụ nữ, thanh niên và trẻ em”; khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền, khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.

Ngay sau sự biến chính trị diễn ra tại Myanmar, các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự quan ngại về diễn biến và tình hình phức tạp tại Myanmar. đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến, duy trì đối thoại nhằm tìm giải pháp cho các thách thức, để không làm trầm trọng thêm tình trạng, duy trì hòa bình và an ninh; ủng hộ mạnh mẽ đối với quá trình chuyển đổi dân chủ, tiến trình hòa bình và phát triển kinh tế toàn diện của Myanmar.

Brunei, quốc gia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, ngay trong ngày 2-2, tức chỉ một ngày sau khi xảy ra sự kiện chính biến tại Myanmar đã ra tuyên bố của Chủ tịch ASEAN bày tỏ mong đợi Myanmar sẽ cam kết tuân thủ các nguyên tắc hiến chương của ASEAN. Chủ tịch ASEAN năm 2021 cũng nhất trí tổ chức một cuộc họp đặc biệt của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, với chủ đề chính là đối phó với đại dịch Covid-19 và cùng với đó là đề cập đến tình hình của Myanmar.

Nêu cao vai trò trung tâm của ASEAN

Là một quốc gia ở Đông Nam Á, Myanmar là một thanh viên, một phần không thể thiếu của ASEAN. Trên thực tế, sự kết nối giữa Myanmar và ASEAN vượt ra ngoài yếu tố địa lý, còn nằm trong một thể thống nhất trong nhiều lĩnh vực hợp tác để hướng tới những mục tiêu chung đã được đặt ra của cả Hiệp hội bởi một sự gián đoạn nào cũng ảnh hưởng nhất định tới các thành viên khác trong nỗ lực thực hiện mục tiêu, kế hoạch chung.

Để tạo được sự thống nhất với Cộng đồng ASEAN, chính sách đối nội của Myanmar gắn kết chặt chẽ với mục tiêu hòa bình, ổn định khu vực. Sự tham gia của Myanmar đóng góp tích cực vào việc thực hiện các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN thông qua việc tuân thủ, thúc đẩy nguyên tắc đảm bảo quan hệ hài hòa giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Bất ổn và khủng hoảng hiện nay ở Myanmar cũng là mối quan tâm, lo ngại sâu sắc của các quốc gia và cả ASEAN. ASEAN thời gian qua đã có những chia sẻ và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quốc gia thành viên vượt qua thời điểm khó khăn này.

Các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị không chính thức ngày 2-3 vừa qua về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar đã nêu rõ, theo dõi sát các diễn biến gần đây ở khu vực và nhất trí rằng ổn định chính trị của bất kỳ và tất cả các nước thành viên ASEAN là cần thiết để đạt được một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kêu gọi tất cả các bên không kích động bạo lực hơn nữa, đồng thời thể hiện kiềm chế và sự linh hoạt tối đa; tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải một cách thực chất vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ.

ASEAN khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và trên tinh thần xây dựng. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cam kết, các nước ASEAN sẽ không phá vỡ nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác nhưng nhấn mạnh phải theo đuổi biện pháp khôi phục dân chủ như trước, tôn trọng nguyện vọng, lợi ích và tiếng nói của nhân dân Myanmar. Ngoại trưởng Malaysia và Philippines cũng kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các bên liên quan xúc tiến đối thoại.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong phát biểu tại hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến cho rằng, tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng gây tổn thất sinh mạng người dân trong những ngày gần đây tại Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực. Phó Thủ tướng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có phối hợp với các tổ chức và cơ chế toàn cầu, bao gồm Liên hợp quốc, nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình vì lợi ích của nhân dân và đất nước Myanmar, cũng như vì hoà bình, ổn định khu vực và đoàn kết, uy tín của ASEAN.

Với những nỗ lực và hành động của mình, ASEAN đã chứng tỏ vai trò quan trọng, vai trò trung tâm trong nỗ lực quốc tế nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.