VAFI đề xuất 3 giải pháp giảm lãi suất cho vay

ANTĐ - Vấn đề giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh đang được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các nhà tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đưa ra 3 phương án để hạ nhanh lãi suất cho vay xuống dưới mức 10%/năm.

Giảm lãi suất là yêu cầu vô cùng bức xúc đối với các doanh nghiệp

Nội dung 3 phương án

Phương án 1 được VAFI đưa ra giống như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai. Đó là chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó lan tỏa đến các NHTMCP khác. Theo tín hiệu của chỉ số giá tiêu dùng và thị trường liên ngân hàng, NHNN thực hiện bơm tiền có liều lượng và cuối cùng sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động. VAFI cho rằng với cách thức này LS cho vay sẽ giảm rất chậm và dự kiến tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14%-18%, phổ biến sẽ ở mức từ 15% - 17%. Tuy nhiên đây vẫn sẽ là mức lãi suất quá cao đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong phương án 2, VAFI đề xuất NHNN nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ từ 40% - 55% tổng lượng tiền gửi, đây là con số không nhỏ và có tác động giảm nhanh lãi suất cho vay. Việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống NHTM, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ. Thêm nữa cần khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm (đây chỉ là bước khởi đầu) nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại. Đặt ngay trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm sau đó theo tín hiệu thị trường giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, và hạ tiếp trần lãi suất cho vay. Với phương án này, VAFI khẳng định đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 12%-16%, phổ biến sẽ ở mức từ 14%-15% .

Trong phương án 3, VAFI một lần nữa khẳng định dự thảo Nghị định về Quản lý kinh doanh vàng cần sớm được ban hành vì nó có tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối. VAFI cho rằng, điểm mấu chốt của Nghị định là ban hành chính sách thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên không cần chờ Nghị định ban hành, ngay từ bây giờ Bộ Tài chính và NHNN nên ngồi lại với nhau để làm chính sách thuế. Việc làm chính sách thuế không khó, chỉ cần công bố trước mức thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức lên mức 20% cho phù hợp với các Luật Thuế hiện hành, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Các động thái này sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đầu cơ lướt sóng vàng miếng. Bản thân người dân và nhà đầu cơ sẽ thấy rằng VND được bảo vệ mạnh mẽ, sẽ lên giá và sẽ thu hút dòng tiền cực lớn chảy vào hệ thống ngân hàng”, chuyên gia của VAFI nhận định. 

VAFI cho rằng đây sẽ là giải pháp đột phá để hạ lãi suất cho vay về dưới 10%/năm (kết hợp với phương án 2). Hiệu quả của việc giảm lãi suất là sẽ nhanh chóng kích thích thị trường chứng khoán phục hồi phát triển. Thị trường trái phiếu sẽ hồi phục, hệ thống ngân hàng sẽ có cơ hội huy động nguồn vốn dài hạn. Nguồn vàng trong dân sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng thương mại, dự trữ ngoại hối tăng lên mức trên 30 tỷ USD (trong 3 năm tới).

Khả thi đến đâu?

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, với đề xuất giảm lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống 11% về cơ bản chỉ là đề xuất, còn việc thực hiện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. “Người vay thì luôn muốn lãi suất thấp,  người gửi lại muốn được nhận lãi suất cao, còn về phía ngân hàng cũng phải cân đối chi phí kinh doanh để quyết định đưa ra mức lãi suất phù hợp. Cơ bản thì thanh khoản phải được cải thiện mới có điều kiện để giảm lãi suất, đây là điều kiện tiên quyết”- ông Toại nói.

Với đề xuất áp mức trần lãi suất cho vay ở mức 18%, ông Toại cho rằng: “Việc làm này sẽ đưa lãi suất quay về cơ chế hành chính thay cho cơ chế thị trường. Những ngân hàng nào có giá vốn thấp sẽ chấp nhận được mức trần này còn những ngân hàng huy động cao sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Trước đó, vấn đề áp dụng mức trần lãi suất cũng đã được đặt ra và trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN - Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã nghiên cứu kỹ vấn đề này và cho rằng nếu quy định trần lãi suất cho vay thì sẽ dẫn tới hiện tượng cào bằng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp, không phân biệt được doanh nghiệp hoạt động tốt, doanh nghiệp hoạt động xấu, loại hình doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển và công tác điều hành của NHNN sẽ gặp khó khăn. 

Nói về tính khả thi của các giải pháp trên, TS.Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, định hướng giảm lãi suất là rất tốt, hiện nay không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mong chờ lãi suất đi xuống mà cả Chính phủ và NHNN cũng đang triển khai nhiều biện pháp để điều chỉnh. Những đề xuất trên cần phải xác định thêm các vấn đề nảy sinh khi áp dụng, tác động của nó đến hoạt động của các ngân hàng như thế nào rồi mới nghiên cứu triển khai chứ không thể áp dụng ngay lập tức.