Vạch hướng đi cụ thể cho doanh nghiệp

ANTĐ - Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 đang được các bộ, ngành, địa phương ráo riết thực hiện. Trong đó, giải quyết hàng tồn kho và xử lý nợ xấu là giải pháp cơ bản.

Giảm thuế giúp doanh nghiệp bớt phần nào sức ép để khôi phục, đẩy mạnh sản xuất

Giảm gánh nặng thuế phí

Đây là giải pháp thiết thực nhằm góp phần hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho. Bộ KH-ĐT cho biết, Chính phủ đã gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong quý I-2013 và 3 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu  nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III-2013; Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp của 3 tháng đầu năm nay cho một số đối tượng doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, hoàn thuế bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói sẵn sản phẩm thay thế túi nilon theo quy định; Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện; Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ; giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 và 2014 cho một số đối tượng...

Về vốn tín dụng, Chính phủ có chủ trương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay...

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 1-2013, các doanh nghiệp thuộc Bộ này do nhận định được tình hình khó khăn nên đã điều tiết để sản phẩm tiêu thụ đến đâu thì sản xuất đến đó nên lượng hàng tồn kho giảm đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-1-2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước. Giải quyết hàng tồn kho để thúc đẩy sản xuất kinh doanh vẫn là thách thức đối với doanh nghiệp khi sức mua trên thị trường yếu và chậm cải thiện.

Thời gian tới, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp về vốn tín dụng, lãi suất cho vay, tạo mọi điều kiện để khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước cũng như thế giới để chủ động dự báo và có các biện pháp điều hành phù hợp. 

Có cơ chế xử lý nợ xấu

Tại Hội nghị của Chính phủ với tập đoàn, tổng công ty Nhà nước diễn ra giữa tháng 1-2013, Bộ KH-ĐT đã công bố thống kê về công nợ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Chỉ riêng khối doanh nghiệp “đầu tàu” này,  tổng nợ phải trả là 1.334.903 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/ tổng nợ phải trả là 1,6 lần. “Nhìn tổng thể năm 2012, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, xét riêng rẽ, ở một số tập đoàn, tổng công ty, tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao” - Bộ KH-ĐT cho hay.

Nợ phải thu của năm 2012 là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỷ đồng, bằng 1,64% tổng số nợ phải thu. Từ việc xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng, bộ ngành liên quan sẽ có hướng đi cụ thể để giải quyết nợ xấu của khối doanh nghiệp khác. 

Theo Bộ KH-ĐT, năm 2013 sẽ rà soát, đánh giá lại nợ xấu, phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn và theo các loại tài sản đảm bảo; Có phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam... Đồng thời, bổ sung hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.