“Vaccine ý thức” phòng chống đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chúng ta đang nỗ lực cao độ, bằng cả nguồn lực trong nước và kết hợp với quốc tế, để có thể tiêm đại trà vaccine phòng ngừa Covid-19 cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, để hoàn toàn khống chế và đẩy lùi được đại dịch nguy hiểm như Covid-19 thì tiêm vaccine thôi là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc tham gia với ý thức thường trực phòng chống dịch bệnh của mỗi người dân.
Cùng với tiêm vaccine, người dân vẫn cần phải luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Cùng với tiêm vaccine, người dân vẫn cần phải luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Để mọi người dân đều được tiếp cận vaccine phòng Covid-19

Chúng ta lại tiến thêm một bước đáng kể trong phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) khi chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covivac phòng Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất đã chính thức triển khai tiêm cho người tình nguyện tham gia. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19 “Made in Vietnam” do đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện.

Công nghệ sản xuất của vaccine Covid-19 Covivac của Việt Nam tương đồng công nghệ vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca, đều sử dụng công nghệ vector, tuy nhiên có giá thể khác nhau, trong đó công nghệ của AstraZeneca dùng Adenovirus tái tổ hợp còn của Covivac dùng NewCastle virus. Ngoài ra, Covivac dựa trên công nghệ trứng gà có phôi truyền thống đã sản xuất vaccine cúm thành công để sản xuất vaccine, còn của Astra sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào.

Vaccine Covivac được nghiên cứu từ tháng 5-2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam và đã cho thấy tính an toàn cũng như hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể thử nghiệm trên người. Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy vaccine này đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi.

Trước Covivac, vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam là NanoCovax do Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, sản xuất đã bước sang giai đoạn thử lâm sàng thứ hai. Theo dự kiến, từ tháng 5 tới, vaccine NanoCovax có khả năng phòng ngừa các biến chủng Nam Phi và Anh này sẽ bước sang giai đoạn thử nghiệm thứ ba, tiêm cho khoảng 10.000-15.000 người và chính thức sản xuất hàng loạt từ cuối năm 2021.

Vaccine phòng Covid-19 thứ 3 tại Việt Nam do Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) nghiên cứu, sản xuất dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người vào cuối quý I/2021. Với nỗ lực cao nhất, Việt Nam dự kiến sẽ chủ động được nguồn vaccine phòng bệnh Covid-19 đầu năm 2022 và tiến tới xuất khẩu vaccine. Trong khi chờ vaccine phòng Covid-19 “Made in Vietnam” được sản xuất hàng loạt, chúng ta đã sớm chủ động, tích cực đàm phán với các đối tác quốc tế để có thể sớm cung cấp vaccine cho người dân, mà ưu tiên trước hết là các đối tượng tuyến đầu chống dịch, đối tượng có nguy cơ cao. Đến nay, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên gồm hơn 117 nghìn liều đã về Việt Nam và triển khai tiêm cho hơn 10 nghìn người là đối tượng được ưu tiên.

Khoảng 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về Việt Nam trong 4 tháng tới và hơn 4 triệu liều sẽ được nhập về trong tháng 5-2021 để tiến hành tiêm đại trà cho 11 đối tượng được ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Dự kiến, trong khi chưa có vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước, Việt Nam từ nay tới cuối năm 2021 này sẽ nhập về khoảng 150 triệu liều, tức đủ số vaccine để tiêm cho tất cả những người cần tiêm vaccine ở nước ta.

Tự tiêm cho mình vaccine đặc biệt chống dịch

Vaccine là “tấm lá chắn”, là biện pháp rất quan trọng, bền vững là lâu dài để chống dịch, song đó hoàn toàn không phải và không thể là “thần dược” duy nhất để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm và khó lường như Covid-19. Theo các chuyên gia dịch tễ, vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100% và vaccine ngừa Covid-19 cũng vậy.

Các chuyên gia y tế thế giới khẳng định, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 không bảo đảm phòng bệnh 100%. Ngay bản thân các hãng dược phẩm, nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu đều cho biết tỷ lệ phòng bệnh của vaccine cao nhất cũng chỉ vào khoảng 80%-90%, tức là vẫn còn có từ 10%-20% người vẫn có khả năng mắc bệnh dù đã được tiêm vaccine. Hơn nữa, vaccine Covid-19 là vaccine được phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng trong một thời gian khá ngắn. Mặc dù vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiên cứu và sản xuất, nhưng với những biến thể mới, khó lường của virus SARS-CoV-2 mà các biến thể Anh và Nam Phi là một minh chứng nên chưa ai có thể khẳng định chắc chắn về hiệu quả của một số loại vaccine phòng ngừa Covid-19 vừa đưa vào sử dụng.

Nhìn lại sự hoành hành của Covid-19 trên thế giới cũng như các đợt bùng phát dịch tại nước ta vừa qua có thể thấy, đại dịch này diễn biến phức tạp và khó lường bậc nhất từ trước tới nay. Dịch bệnh sẽ bị khống chế và kiểm soát sớm nếu triển khai quyết liệt và đúng đắn các biện pháp phòng chống, song có thể bùng phát, hoành hành trở lại ngay tức khắc nếu lơ là, chủ quan mất cảnh giác.

Chúng ta đã phải đối mặt với ba đợt dịch từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới từ hơn 1 năm trước, nhưng đều đã vượt qua bằng những biện pháp phòng chống quyết liệt, đúng đắn với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Có thể nói một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp chúng ta khống chế và kiểm soát dịch bệnh là sự chung sức đồng lòng của người dân. Mỗi người dân trong lúc dịch bệnh khó khăn đã đồng lòng thực hiện với các biện pháp chống dịch, tự đề cao ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tuân thủ các quy định, chỉ đạo về phòng chống dịch. Những bài học kinh nghiệm quý báu này này được áp dụng hiệu quả trong đợt dịch bùng phát đầu tiên cho tới các đợt dịch ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Dương hiện nay.

Những bài học kinh nghiệm quý giá ấy vẫn sẽ còn nguyên giá trị trong cuộc chiến lâu dài phòng chống đại dịch Covid-19, thứ dịch bệnh nguy hiểm mà chúng ta đã xác định quyết tâm phải luôn “chống dịch như chống giặc”. Chính phủ và các cấp, cá ngành dù nỗ lực bao nhiêu nhưng cũng khó chống dịch triệt để và hiệu quả nếu mỗi người dân không có ý thức phòng chống dịch hay có tâm lý chủ quan, lơ là, nhất ỷ lại vào việc có vaccine phòng ngừa Covid-19.

Cho dù có vaccine nhưng cả hệ thống chính trị và mỗi người dân vẫn cần tiêm cho mình thứ vaccine đặc biệt - “vaccine ý thức”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan mà phải luôn tuân thủ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).