Vaccine là vũ khí an toàn và hiệu quả để “diệt” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Thế giới hiện có nhiều loại vaccine phòng Covid-19, trong đó, những loại vaccine được cơ quan có thẩm quyền như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp đều đã chứng tỏ hiệu quả trong việc giảm thiểu sự lây lan cũng như mức độ trầm trọng của đại dịch. Thực tế tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao là minh chứng.
Vaccine đã chứng minh là thứ vũ khí an toàn và hiệu quả để đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới

Vaccine đã chứng minh là thứ vũ khí an toàn và hiệu quả để đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới

Quy trình nghiêm ngặt phê chuẩn vaccine phòng Covid-19

Đến nay, WHO đã phê duyệt khẩn cấp nhiều loại vaccine phòng Covid-19 và những vaccine này đã được sử dụng rộng rãi trong công tác tiêm chủng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thời gian qua. Danh sách vaccine Covid-19 sử dụng khẩn cấp của WHO hiện bao gồm sản phẩm của Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, Astra Zeneca, Sinopharm và Sinovac.

Vaccine phòng Covid-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), được phê duyệt khẩn cấp ngày 1-6 vừa qua là loại vaccine Covid-19 thứ hai do Trung Quốc phát triển được WHO chấp thuận sau vaccine của Sinopharm. Trong đó, vaccine phòng Covid-19 của hãng dược phẩm Astra Zeneca được phê duyệt là loại sản xuất tại Ấn Độ và Hàn Quốc.

Cho dù là những loại vaccine được phê duyệt khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu phòng chống đại dịch Covid-19 cấp bách trên toàn cầu, song, các loại vaccine phòng Covid-19 được WHO phê chuẩn đều phải đáp ứng những yêu cầu về khoa học chặt chẽ. Bất kỳ loại vaccine phòng Covid-19 nào cũng đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm với đầy đủ những dữ liệu khoa học, khách quan, minh bạch mới được xem xét phê duyệt.

Theo đó, cũng như các loại vaccine phòng bệnh khác, vaccine phòng Covid-19 phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, thử nghiệm lâm sàng trên hàng chục nghìn người để thu được dữ liệu cần thiết cho việc đánh giá của cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, trong đó giai đoạn 3 là quan trọng nhất, mang tính chất quyết định.

Trong đó, ở giai đoạn 1, vaccine phòng Covid-19 được tiêm cho một số ít người khỏe mạnh để đánh giá độ an toàn khi tăng dần liều lượng và thu thập thông tin về khả năng sinh miễn dịch của cơ thể. Nếu không có vấn đề về an toàn trong giai đoạn đầu, thử nghiệm sẽ bước vào giai đoạn 2 với hàng trăm người trưởng thành tham gia. Những người này được chọn ngẫu nhiên, khác nhau về tình trạng sức khỏe và nhân khẩu.

Thử nghiệm này bổ sung thông tin về tác dụng phụ và nguy cơ, rủi ro thường gặp, kiểm tra mối quan hệ giữa liều dùng và đáp ứng miễn dịch, đưa ra thông tin sơ bộ về hiệu quả của vaccine phòng Covid-19. Giai đoạn 3 bao gồm hàng chục nghìn người tham gia, cung cấp thông tin quan trọng về hiệu quả của vaccine, phản ứng miễn dịch ở người được tiêm vaccine so với người dùng giả dược, đồng thời bổ sung số liệu về tính an toàn.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được tiến hành ở quy mô nhỏ trên một số nhóm quần thể để kiểm tra độ an toàn, tính sinh miễn dịch và xác định liều lượng tối ưu. Việc đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 và 2 này không phải là yếu tố quyết định cho việc phê duyệt khẩn cấp.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19. Kết quả của thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ quyết định vaccine đó có được cơ quan thẩm quyền phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không. Kể cả sau khi đã được phê duyệt, nhà sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vaccine trong quá trình sử dụng.

Vaccine phòng Covid-19 đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả

Đến nay, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 4 loại vaccine Covid-19, bao gồm: Comirnaty của Pfizer (Mỹ), A2D1222 của AstraZeneca (Anh), Sputnik-V của Gamalaya (Nga), Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc) cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. Ngoài ra, vaccine phòng Covid-19 của Moderna (Mỹ) cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.

Tất cả vaccine nói trên đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 quy mô từ 20.000 đến 50.000 người tham gia. Cụ thể, vaccine của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia. Vaccine Vero-Cell của Sinopharm thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 45.000 người. Vaccine Sputnik-V thử nghiệm lâm sàng tại 5 quốc gia với 21.977 người. Vaccine của Pfizer thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với 43.418 người. Vaccine của Moderna thử nghiệm tại 4 quốc gia với 30.420 người tham gia.

Những loại vaccine phòng Covid-19 đã được WHO phê duyệt khẩn cấp đã được tiêm chủng rộng rãi với tổng cộng hàng tỷ liều ở hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc tiêm chủng rộng rãi vaccine phòng Covid-19 đã chứng minh đây là thứ “vũ khí” lợi hại đẩy lùi đại dịch, đưa mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội vào trạng thái bình thường mới.

Nhiều quốc gia đã nới lỏng hoặc hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng, chống dịch sau khi có tỷ lệ lớn người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19. Là quốc gia tâm dịch đầu tiên, chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng cuộc sống đã gần như trở lại hoàn toàn bình thường ở Trung Quốc, khi Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 20-6 vừa qua thông báo số lượng vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng tiêm chủng tại nước này đã vượt con số 1 tỷ mũi, tương ứng hơn 1/3 tổng số vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới.

Do đã chứng minh được sự hiệu quả trong việc đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu vaccine phòng Covid-19 của thế giới hiện nay rất lớn và cấp bách. Tất cả các loại vaccine được WHO phê duyệt đều ở tình trạng “cung không đủ cầu” và vaccine phòng Covid-19 hiện nay là thị trường của người bán chứ không phải của người mua. Bởi thế, việc tìm được nguồn cung cấp và có thể nhập được vaccine phòng Covid-19 lúc này là ưu tiên hàng đầu của rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam chúng ta cũng xác định, vaccine là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả để đẩy lùi đại dịch Covid-19, xác định chiến lược chống đại dịch ở nước ta là Vaccine + 5K + Giải pháp công nghệ. Từ chiến lược này, chúng ta đã khẩn trương tìm kiếm các nguồn cung để có thể có được khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm nay để tiêm cho khoảng 70% số dân, nhằm đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 24-6 cho biết, hiện đã có những đơn vị ký cam kết từ nay đến cuối năm cung cấp khoảng 110 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho nước ta. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine khác để đạt số lượng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 như trong Nghị quyết 21 của Chính phủ đã giao. Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vaccine về đủ, khoảng 110-150 triệu liều vaccine, trong vòng 3 đến 6 tháng còn lại trong năm 2021, ước tính mỗi ngày cả nước sẽ tiêm chủng khoảng 300.000-500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm nhằm đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.