Vaccine là “lá chắn” vững chắc và hữu hiệu trước dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm còn hoành hành nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện liên tục của những biến thể mới, việc tiêm vaccine đầy đủ được xem là thiết lập tấm “lá chắn” hiệu quả bậc nhất để bảo vệ sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là thứ vũ khí quyết định chống đại dịch

Tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là thứ vũ khí quyết định chống đại dịch

Phong trào bài vaccine đáng lo ngại

Khi mà đại dịch Covid-19 có phần lắng dịu ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phong trào bài vaccine vốn tồn tại khi dịch bệnh nguy hiểm này còn đang hoành hành dữ dội khắp toàn cầu lại càng trỗi dậy một cách đáng lo ngại. Nguy hại hơn nữa là xu hướng bài vaccine còn lây lan sang các loại bệnh dịch truyền nhiễm khác - những dịch bệnh được ngăn chặn chủ yếu dựa vào “tấm lá chắn” vaccine - khiến tỷ lệ tiêm các loại vaccine phòng sởi, bại liệt và một số bệnh khác giảm mạnh ở nhiều nơi trên thế giới.

Với việc tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh giảm, mối lo ngại về nguy cơ bùng phát trở lại các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vốn đã được loại trừ ở nhiều nơi trên thế giới đang ngày càng tăng. Trong đó tại Mỹ, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được tiêm chủng theo khuyến cáo đã giảm 1%, xuống còn 94% trong năm học 2020-2021. Chỉ với 1% giảm này đã có khoảng 35.000 trẻ em vẫn chưa được tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh cần thiết.

Cùng chung xu hướng đáng lo ngại trên, tỷ lệ tiêm vaccine để bảo vệ người trưởng thành và thanh thiếu niên khỏi các bệnh như cúm, viêm gan, sởi, uốn ván và zona, cũng đang có xu hướng giảm. Ước tính từ tháng 1-2020 đến tháng 7-2021, khoảng 37 triệu liều vaccine phòng bệnh các loại dành cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên bị bỏ lỡ.

Nhấn mạnh về nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine giảm ở nhiều nơi trên thế giới, Giáo sư David Broniatowski thuộc Đại học George Washington của Mỹ, cho rằng truyền thông xã hội đã góp phần tạo ra một liên minh, trong đó có những người thực sự phản đối vaccine, những người theo chủ nghĩa tự do và các nhân vật chính trị bảo thủ. Chính điều này góp phần khiến 23 triệu trẻ em trên toàn thế giới bỏ lỡ các đợt tiêm chủng định kỳ vào năm 2020. Trong đó, chỉ riêng ở khu vực châu Mỹ, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đã giảm xuống từ 91% trong năm 2016 xuống còn 82%, một tỷ lệ giảm hết sức đáng lo ngại.

Phong trào bài vaccine đã gia tăng trong bối cảnh nhiều chính trị gia theo đường lối bảo thủ và các nhóm hoạt động đã lan truyền các thông tin, thông điệp sai lệch về tiêm vaccine trên phương tiện truyền thông xã hội. Ông Jason Terk, bác sĩ nhi khoa Texas và là người phát ngôn của Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết, số bậc cha mẹ đặt ra câu hỏi về việc liệu tiêm vaccine có thực sự cần thiết hay có thể trì hoãn các mũi tiêm này hay không đang ngày một tăng.

Các chuyên gia dịch tễ học khẳng định, phong trào bài vaccine đã và đang gây ra nhiều rủi ro sức khỏe hơn, đặc biệt là từ các bệnh mà thế giới lẽ ra đã có thể kiểm soát hoàn toàn như sởi, bại liệt… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại với việc xuất hiện các biến chủng mới như biến chủng BA.5 của Omicron, phòng trào bài vaccine nếu trỗi dậy mạnh hơn có thể khiến tái bùng phát một làn sóng dịch nguy hiểm ở nhiều nơi trên thế giới.

Vaccine vẫn là vũ khí quyết định chống “giặc” Covid-19

Thực tế sống động tại nước ta hiện nay khi mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội gần như trở lại bình thường khẳng định vai trò to lớn của vaccine phòng Covid-19 trong việc đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh này. Tuy nhiên, cũng không thể không lo ngại khi xuất hiện những dấu hiệu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác cho rằng dịch bệnh đã qua đi nên không tích cực, thậm chí còn từ chối việc tiêm các mũi vaccine nhắc lại, tăng cường.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 3-7, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (tỉ lệ sử dụng đạt 97,3%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%.

Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia châu Âu như Italia, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...

Tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao là nhân tố quan trọng nhất giúp chúng ta đẩy lùi và kiểm soát được dịch Covid-19 như hiện nay. Thế nhưng, Bộ Y tế đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine Covid-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Bộ Y tế nhận định, tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine…

Trước xu hướng bài vaccine, WHO nhiều lần khẳng định, các vaccine phòng Covid-19 được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể phụ BA.5. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại “kinh nghiệm xương máu” lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có vaccine trước đây để lưu ý về việc ở trong nước hiện nay vẫn có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là tốc độ tiêm vaccine còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo. Thủ tướng nêu rõ, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.