V-League: Miếng mồi của giới đỏ đen

ANTĐ - Hôm qua, V-League 2013 đã chính thức khởi tranh. 12 đội bóng tranh tài trong 5 tháng với 132 trận đấu của 22 vòng đấu để tìm ra một nhà vô địch mới. Mùa giải này ngay từ trận “ mở sân” - trận siêu cúp quốc gia diễn ra tuần trước đã gặp “tỳ vết” đến mức Ban tư vấn đạo đức của Công ty VPF vừa mới được lập ra đã có việc làm ngay khi phải điều tra những biểu hiện bất thường trong trận đấu này.

Vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra nhưng có thể nói, bóng đá Việt Nam đã có một khởi đầu bằng một nghi án tiêu cực. Hẳn là chuyện chẳng ai muốn nhưng rõ ràng, đấy là cách “đặt vấn đề” trực diện và trọng tâm nhất nếu thực sự chúng ta muốn có một mùa bóng thành công. Những nhà điều hành bóng đá Việt Nam sẽ phải vào cuộc một cách quyết liệt vì không giải quyết những vấn đề tiêu cực thì bóng đá Việt Nam còn trì trệ. Từng có chuyện kỷ luật 10 nhưng lại giảm án xuống còn 3 - 4, mất đi sự nghiêm khắc của sân cỏ. Dư luận vẫn liên tục phản ảnh sự suy thoái đạo đức sân cỏ. Nay, các tổ chức cá cược quốc tế không còn âm thầm mà đã “tràn” vào Việt Nam và những trận đấu của V-League đã được xem là “miếng mồi ngon” của giới đỏ đen thì  sự thờ ơ của những nhà quản lý bóng đá sẽ là điều không thể chập nhận.

Bóng đá Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi các nguồn tài trợ  không còn hào hứng với sân cỏ, không còn chi tiêu nhiều cho các khoản quáng cáo, tiếp thị. Không còn những cuộc chuyển nhượng rầm rộ với cái giá 9, 10 tỷ, thậm chí 13 tỷ như một số mùa giải gần đây khi các ông bầu vì đánh bóng thương hiệu, đã thổi cho giá trị của các cầu thủ được coi là ngôi sao lên đến mức chóng mặt. 

Từ khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu, một số CLB đã giải thể không tham gia mùa giải 2013, phí chuyển nhượng cầu thủ, lương thưởng được các CLB cơ cấu lại đưa về mặt bằng hợp lý so với các năm trước đây để đảm bảo hoạt động cho mùa bóng. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, không chỉ các CLB bóng đá VN cũng đang phải vật lộn từng ngày từng giờ với chuyện tồn tại hay không tồn tại, mà vất vả lắm các nhà tổ chức mới có thể đưa giải bắt đầu đúng kế hoạch, nhưng vẫn còn đó nỗi lo liệu các đội tham dự giải có về đích đầy đủ số lượng hay không. Bởi những khó khăn về tài chính vẫn còn hiện hữu, dù chính sách thắt lưng buộc bụng đã được nhiều CLB áp dụng nhưng vẫn còn một vài nơi đang vướng vào khó khăn tài chính khiến người ta đang đặt dấu hỏi liệu họ có đủ sức để chơi đến cuối mùa giải.

Từ mùa bóng này, VFF và VPF đang tìm tòi học hỏi từ bóng đá Nhật Bản, đã mời được những tổ chức điều hành giải bóng đá Nhật Bản sang hợp tác và chia sẻ về những thành công và thất bại. Chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe, người được kỳ vọng đem tới sức sống mới cho bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn cũng cho rằng bóng đá Việt Nam đang gặp hai vấn đề lớn, người hâm mộ quay lưng và nguồn đầu tư suy giảm. Ông cho hay sẽ kêu gọi sự tài trợ của các doanh nghiệp Nhật cho bóng đá Việt Nam. “Như các bạn đã biết, gần đây Nhật đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và tôi muốn thông qua bóng đá để gắn kết các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật với người dân Việt Nam” - ông Tanabe nói.

Hy vọng bóng đá Việt Nam mới khởi sắc, lành mạnh hơn để phấn đấu tìm lại giá trị thực lòng đam mê của nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam.