Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp |
Sáng 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 thêm 5 dự án luật, 01 dự thảo Nghị quyết, trong đó có Luật Báo chí (sửa đổi)...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Văn hoá - Giáo dục và Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đều cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Đó là tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Riêng đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), tán thành sự cần thiết sửa đổi luật, tuy nhiên xét trong mối tương quan với các văn bản pháp quy khác cần sửa đổi, bổ sung và khối lượng công việc lập pháp của kỳ họp thứ 9, cơ quan thẩm tra đề nghị chưa bổ sung vào chương trình năm 2025 mà xem xét, đưa vào chương trình năm 2026.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp |
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH thống nhất về cần thiết bổ sung 5 dự án do Chính phủ và TAND tối cao trình, tuy nhiên đề nghị lùi Luật Luật sư sửa đổi sang năm 2026.
Theo đó, UBTVQH thống nhất bổ sung 04 dự án luật (dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Luật Phá sản (sửa đổi)) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, công tác xây dựng pháp luật phải kịp thời, khẩn trương, phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, Bộ Tư pháp cần tham mưu Chính phủ, quán triệt các Bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo kỹ lưỡng, chất lượng ngay từ khâu trình dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.