Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lý giải vì sao không trao quyền tự quyết room ngoại cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết, dự thảo cuối cùng của Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật chứng khoán 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn giữ nguyên điều khoản không trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này được ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết sáng nay, tại Tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19” do Tạp chí Kinh tế Chứng khoán tổ chức.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, tại dự thảo Nghị định quy định tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, trừ một số ngành nghề mà các điều ước quốc tế, pháp luật có quy định khác.

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

So với quy định hiện hành tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, nội dung này bỏ bớt cụm từ "trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác".

Điều này có nghĩa, dự thảo Nghị định mới sẽ không cho phép công ty đại chúng có quyền quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài (không được vượt quá tỉ lệ tối đa được quy định tại điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành) như quy định hiện hành.

Dù quy định gây nhiều tranh cãi, nhất là các doanh nghiệp đặc thù như trong lĩnh vực ngân hàng vẫn muốn giữ quyền tự quyết room ngoại để dành cho các kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược, tuy nhiên ông Hải cho biết đến dự thảo cuối cùng, cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên điều khoản đó.

Lý giải điều này, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trước tiên là nhằm hướng tới sự minh bạch trong thị trường, đảm bảo quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam . “Khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một doanh nghiệp, người ta phải nghiên cứu tình hình thị trường, phải trình lên các cấp. Chẳng hạn khi lãnh đạo của họ quyết định đầu tư vào vào 1 doanh nghiệp rồi thì doanh nghiệp đó lại trình Đại hội đồng cổ đông “khóa” room. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam không minh bạch”.

Vấn đề thứ hai, theo ông Hải, việc giữ nguyên đề xuất này nhằm phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành. Trong đó, Luật Đầu tư quy định trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề quy định riêng tại các Hiệp ước thì không phân biệt giữ nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước.

Còn tại Luật Doanh nghiệp, quy định cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Do đó, nếu trao quyền cho các doanh nghiệp tự khóa room ngoại thì sẽ hạn chế quyền tự do chuyển nhượng của cổ đông công ty…

“Chúng tôi bỏ đi cụm từ đó và tin rằng điều này phù hợp quy định hiện hành. Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, và những quan điểm này đều đã thể hiện trong Hội nghị thẩm định dự thảo Nghị định của Bộ Tư pháp. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được ý kiến thẩm định cuối cùng của Bộ Tư pháp, khi chính thức nhận được sẽ quyết định có điều chỉnh hay không” – ông Bùi Hoàng Hải nói.