Ưu tiên tăng trưởng, ghìm cương lạm phát

ANTĐ - Hôm qua, 20-5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2013.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang phiên khai mạc

Khó khăn vẫn chưa qua

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, giá tiêu dùng tháng 4-2013 tăng 2,41% so với tháng 12-2012, đạt mục tiêu đề ra là thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,6%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2 - 3%/năm so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện. 

Phó Thủ tướng cho biết, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đạt được kết quả bước đầu. GDP quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra là cao hơn cùng kỳ năm trước (4,75%); an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm và cơ bản được bảo đảm, đã tạo trên 475 nghìn việc làm mới; đặc biệt, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được giữ vững; tiềm lực quốc phòng tiếp tục được củng cố; bảo vệ an ninh quốc gia; chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về phòng, chống tội phạm với nhiều mô hình tốt như mô hình 141 của CATP Hà Nội.

Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Bên cạnh những chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm còn nhiều hạn chế, yếu kém”. Cụ thể, sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá như điện, than bán cho điện, nước, giáo dục, y tế... theo cơ chế thị trường còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy sớm được ban hành nhưng việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện còn chậm nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiến triển chậm. Việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có thu nhập thấp vẫn còn nhiều khó khăn...

Nên ưu tiên tăng trưởng?

Dự báo kinh tế toàn cầu “tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định”, Chính phủ đề xuất 6 nhóm giải pháp lớn. Một mặt tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu “tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa”. Cùng với đó, cần triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ cũng cam kết, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại...

Đồng tình với nhận định của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, “những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra”; tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2013 tăng 4,89% có cao hơn quý I-2012 (tăng 4,75%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý I-2011 (tăng 5,53%) và quý I-2010 (tăng 5,84%). Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Chủ nhiệm  Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn”. Cơ bản tán thành 6 nhóm giải pháp của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế dẫn một số ý kiến cho rằng: “Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, để đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như Nghị quyết của Quốc hội”.

Tin cùng chuyên mục