Ưu đãi xe ô tô “nội”: Không nên đặt tiêu chí về sản lượng tối thiểu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cho rằng, đề xuất tiêu chí để doanh nghiệp ô tô nội được hưởng ưu đãi qua sản lượng tối thiểu là chưa hợp lý, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khiến tiêu thụ xe giảm như hiện nay.
Tiêu thụ ô tô sụt giảm mạnh vì dịch bệnh

Tiêu thụ ô tô sụt giảm mạnh vì dịch bệnh

Về đề xuất kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô của Bộ Tài chính (dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2022) và nới một số điều kiện đối với doanh nghiệp... TC MOTOR cho biết, nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của Bộ Tài chính về việc cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế sau giai đoạn năm 2020; cho phép các xe ô tô đã có Giấy Chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn và cấp trước ngày 01/01/2022 vẫn được tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế;

Cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án là kỳ xét ưu đãi 6 tháng hoặc kỳ xét ưu đãi 12 tháng để được linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp và phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay là cần thiết.

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, chương trình ưu đãi thuế nêu trên vẫn còn đưa ra nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về điều kiện sản lượng.

Đồng quan điểm này, đại diện doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng ô tô đã sụt giảm nghiêm trọng (hơn 35%), đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sang tới nửa đầu 2021 tuy thị trường có tăng trưởng dương nhưng vẫn âm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó (đối với dòng xe du lịch).

Riêng với phân khúc xe khách/xe buýt là phân khúc sản phẩm bị tác động nghiêm trọng nhất khi 6 tháng đầu năm 2020 giảm gần 80% so với cùng kỳ 2019, 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục giảm 21% so với cùng kỳ và giảm tới 31% so với 6 tháng liền kề trước đó.

Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến. Tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc nửa đầu năm nay đã tăng 99,6% về lượng và tăng đến 102,5% về giá trị. Đặc biệt, nếu so sánh số liệu tháng 6/2021 với cùng kỳ năm ngoái, thì tăng trưởng lên tới 324,9% về lượng và tăng 265,1% về giá trị.

“Như vậy, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại. Ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất thì sẽ không thể phát triển đạt được mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra”- đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh quy định hiện nay về tiêu chí sản lượng tối thiểu.

Cụ thể: Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ sau ngày dự thảo Nghị định có hiệu lực, hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa đi vào sản xuất, kinh doanh tại thời điểm dự thảo có hiệu lực thì cho phép tham gia chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên, nếu các doanh nghiệp này có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất quốc tế theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, cấp hợp lệ theo quy định của Bộ KH-CN.

Hai là, đối với các doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp thì cho phép các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng công ty sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi chung là công ty nhận vốn góp). Đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi, một trong số các công ty nhận vốn góp hoặc doanh nghiệp đạt điều kiện ưu đãi của chương trình thì các công ty này không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi.

Ngoài ra, doanh nghiệp ô tô nội cũng đề xuất Bộ Tài chính xem xét bổ sung mặt hàng Engine ECU, kính ô tô vào danh mục các mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế, vì đây là những linh kiện quan trọng trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe, hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước.