Ưu đãi thuế 0% của EVFTA chưa đủ để xuất khẩu gỗ đột phá?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo báo cáo “Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU" vừa được công bố, kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu (EU) được hưởng thuế suất 0% nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) chỉ đạt khoảng 60 triệu USD trên tổng số 500 triệu USD xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU khó "tăng tốc" nhờ EVFTA

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU khó "tăng tốc" nhờ EVFTA

Báo cáo cáo “Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU” cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng này của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm qua.

Năm 2018 giá trị xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang EU đạt 510,82 triệu USD, chiếm 6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam vào tất cả các thị trường, tăng 6% so với kim ngạch năm 2017.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang EU đạt 562,7 triệu USD, chiếm 5,4% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng gỗ của cả Việt Nam trong cùng năm, tăng 10% so với kim ngạch năm 2018.

6 tháng đầu năm 2020, mặc dù là một trong số những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid019 nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào khối này đạt 254,5 triệu USD, tăng 12% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2019.

Trong khối EU, Pháp, Đức và Hà Lan là các thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lớn nhất. Kim ngạch từ 3 thị trường này hàng năm chiếm khoảng 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU. Do đó, tác động về thay đổi về thuế nhờ EVFTA nếu có chủ yếu xảy ra tại ba thị trường chính là Pháp, Đức và Hà Lan.

Theo báo cáo này, có 117 dòng hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0% trước EVFTA. Số các dòng hàng này chiếm 46,2% trong tổng số dòng hàng gỗ và sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào EU. Đáng chú ý, nhóm các mặt hàng nằm trong 117 dòng thuế nêu trên có kim ngạch xuất khẩu năm 2019 chiếm 88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU trong cùng năm.

Bên cạnh đó, có 104 dòng hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam phải chịu thuế các mức thuế từ 1,7% đến 6% trước khi ký EVFTA, chiếm 41,1%. Trong năm 2019 các mặt hàng thuộc nhóm này có giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU đạt gần 60 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU.

Qua đó có thể thấy, khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng được hưởng ưu đãi về mức thuế 0% tương đối nhỏ, chỉ trên dưới 60 triệu USD mỗi năm. Điều này có nghĩa rằng mức thuế ưu đãi của EVFTA khó mang lại sự mở rộng mạnh mẽ trong xuất khẩu các mặt hàng này tại các nước EU trong tương lai.

Ngoài ra, còn có 30 mặt hàng gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trong khoảng 7-10% trước khi EVFTA có hiệu lực. Trong vòng 6 năm, mức thuế áp cho các sản phẩm này được đưa về 0% trong thời hạn 6 năm. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng năm các mặt hàng này rất nhỏ, khoảng 5 triệu USD, tương đương dưới 1% trong tổng kim ngạch các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào EU.

“Như vậy, từ góc độ thuế đối với các mặt hàng nằm trong nhóm này, thực thi EVFTA sẽ không đem lại bất cứ giá trị gia tăng nào về thuế đối với toàn bộ các mặt hàng này thuộc nhóm này của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai. Nói cách khác, EVFTA không tạo ra bất cứ động lực mở rộng thị trường nào trên phương diện ưu đãi về thuế đối với các mặt hàng thuộc nhóm này của Việt Nam”- báo cáo nêu rõ.

Tuy vậy, báo cáo cũng cho biết, đây chỉ là đánh giá tác động của EVFTA ở lĩnh vực thuế. Hiệp định còn bao hàm nhiều nội dung tiến bộ khác, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Báo cáo "Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU" là sản phẩm của nhóm nghiên cứu các hiệp hội gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Tổ chức Forest Trends. Nguồn thông tin trong báo cáo được tính toán dựa trên các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp định EVFTA.