Ước mơ cháy bỏng

ANTĐ - Hàn Quốc đang đi những bước đầu tiên trên con đường hiện thực hoá mục tiêu đầy kỳ vọng là tự mình nghiên cứu và chế tạo những chiếc máy bay hành khách nhằm trở thành cường quốc hàng không hàng đầu thế giới trong tương lai không xa.

Chiếc máy bay dân dụng đầu tiên hoàn toàn “Made in Korea” có tên Naraon đã chính thức ra mắt công chúng Hàn Quốc cũng như thế giới ngày 20-7 tại tỉnh Nam Gyeongsang. Sự kiện này đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 28 trên thế giới có thể tự mình nghiên cứu, chế tạo thành công máy bay dân dụng.

Chiếc máy bay hành khách đầu tiên Naraon ra mắt ngày 20-7 tại Gyeongsang 

Niềm tự hào của ngành hàng không dân dụng Hàn Quốc là loại máy bay một cánh quạt ở đầu mũi, có thể bay với vận tốc tối đa là 389 km/h và tầm bay tối đa lên tới 1.850 km. Hàn Quốc dự định sản xuất thương mại loại máy bay Naraon để phục vụ cho việc đào tạo phi công, giải trí hoặc phục vụ mục đích cá nhân từ năm 2013 với giá thành của mỗi chiếc khoảng 600 triệu Won (568.000 USD).

Việc Công ty Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chế tạo thành công Naraon được xem là bước đi đầu tiên của nước này để tham gia thị trường được xem là còn nhiều hấp dẫn trong tương lai. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo, trong 20 năm tới, số hành khách hàng không hàng năm toàn cầu sẽ tăng từ 2,5 lượt tỷ người hiện nay lên 5 tỷ lượt người và số chuyến bay sẽ từ 26 triệu hiện nay lên 50 triệu chuyến bay.

Chỉ với số dân trên 50 triệu người, song hiện Hàn Quốc là nước đứng thứ ba về lưu lượng vận chuyển hàng không quốc tế và xếp thứ 15 về khối lượng vận chuyển hành khách. Với thị trường hấp dẫn như vậy nhưng đến nay Hàn Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu máy bay dân dụng từ nước ngoài.

Tuy nhiên, kỳ vọng tham gia và có thể cạnh tranh trên thị trường chế tạo máy bay hành khách của Hàn Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự cạnh tranh cũng như thách thức rất lớn. Do đặc thù và đòi hỏi ngày càng cao về sự an toàn, tiện nghi và thân thiện với môi trường, thị phần máy bay dân dụng thế giới hiện chủ yếu nằm trong tay hai ông lớn là Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.

Một cường quốc hàng không rất mạnh của thế giới là Nga, có thể sản xuất được những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất thế giới, nhưng cũng chỉ có thị phần hàng không dân dụng rất nhỏ, mà chủ yếu là trong nước. Thế nhưng, với chiếc Naraon, Hàn Quốc vẫn tỏ ra tự tin với giấc mơ chiếm lĩnh bầu trời hàng không dân dụng.

Chính phủ Hàn Quốc trước đó đã công bố kế hoạch đưa nước này trở thành một trong những nước có nền công nghiệp hàng không dẫn đầu thế giới vào năm 2020. Theo đó, Hàn Quốc sẽ đứng trong nhóm 7 nước có ngành công nghiệp hàng không hàng đầu thế giới, có thể chế tạo các loại máy bay thương mại và trực thăng với doanh thu khoảng 20 tỷ USD, gấp 10 lần so với mức 1,9 tỷ USD năm 2008. Cùng với những chiếc Naraon, Hàn Quốc cũng đã phát triển thử nghiệm thế hệ trực thăng chiến đấu (KFX) và nghiên cứu phát triển máy bay chở khách loại nhỏ, có khả năng chở 100 người.