Vụ nhân viên bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương:

Ứng xử ở bệnh viện còn là đạo đức, trách nhiệm

ANTĐ - Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ sáng 8-7,TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, trong vụ việc bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi đang bóp bóng xin về nhà, trách nhiệm thuộc về cá nhân các bảo vệ, công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ và bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. 

Ứng xử ở bệnh viện còn là đạo đức, trách nhiệm ảnh 1Ông Nguyễn Huy Quang

PV: Thưa ông, Bộ Y tế có quy định nào về việc cho phép bảo vệ ở các bệnh viện chặn xe cứu thương ra - vào bệnh viện hay không? 

- Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế: Không có bất cứ một quy định pháp luật nào về việc nhân viên bảo vệ các bệnh viện được phép hay không được phép kiểm tra giấy tờ các xe ra - vào bệnh viện. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ một cơ quan nào khác, mỗi bệnh viện đều có những quy định, nội quy riêng để đảm bảo an ninh trật tự của bệnh viện, như việc: quy định chỗ nào được đỗ xe, chỗ nào được dừng xe… và những người ra - vào bệnh viện, kể cả là xe taxi hay xe cứu thương đều phải tuân thủ. Việc các bệnh viện ra quy chế như vậy không có gì sai, vì nếu không kiểm soát, để người lạ ra - vào tùy tiện sẽ mất an ninh.

Tuy nhiên, các bệnh viện cũng đều quy định rõ, trong trường hợp xe cứu thương đang chở người bệnh vào bệnh viện cấp cứu thì phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để bệnh nhân được chăm sóc y tế sớm nhất, vì khi đó là “thời gian vàng” để cứu bệnh nhân. Với trường hợp xe cứu thương chở người bệnh ra khỏi bệnh viện, lái xe phải thông báo, xuất trình giấy tờ với bảo vệ bệnh viện là đúng. Nếu xe cứu thương đó có giấy tờ đầy đủ (có bệnh nhân, giấy ra viện của bệnh nhân – PV) thì bảo vệ phải cho người ta chở bệnh nhân ra khỏi bệnh viện.

- Trong vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương chở bệnh nhi đang bóp bóng xin về tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo ông, bảo vệ bệnh viện đã làm đúng hay sai?

- Cần xem xét, làm rõ xem bảo vệ chặn xe cứu thương ra khỏi bệnh viện vì lý do gì? Nếu họ chặn xe cứu thương không cho ra vì nghi mất an ninh, đề phòng trường hợp trộm cắp hay bắt cóc bệnh nhân... thì không sai. Còn nếu bảo vệ hạch sách, hay chặn xe cứu thương có bệnh nhân đi ra chỉ vì bệnh nhân này không dùng xe cứu thương của bệnh viện, mang tính chất bảo kê cho xe cứu thương của bệnh viện thì rõ ràng là sai rồi.

- Từ vụ việc này, dư luận đang dấy lên nghi ngờ có tình trạng bảo vệ ở các bệnh viện gây khó dễ, ngăn chặn xe cứu thương bên ngoài vào viện để giữ độc quyền dịch vụ xe cứu thương của bệnh viện, tạo ra tình trạng có thể ép giá cao. Ý kiến ông thế nào?

- Thực ra, nếu bệnh viện có đội xe cứu thương sẵn mà chất lượng cũng như giá cả của các xe này tương đương như xe cứu thương bên ngoài thì rất đáng hoan nghênh, tiện cho người nhà bệnh nhân không phải gọi xe từ nơi khác đến. Còn nếu bệnh viện có xe cứu thương nhưng lấy giá cao hơn rất nhiều so với giá thuê xe cứu thương bên ngoài mà bảo vệ bệnh viện lại tìm cách ngăn chặn xe cứu thương bên ngoài vào thì phải xem lại, vì như thế là độc quyền. 

- Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương chưa hề nhận trách nhiệm về vụ việc. Quan điểm của ông?

- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người bảo vệ chặn xe cứu thương đó. Thứ hai là trách nhiệm của công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ. Thứ ba là trách nhiệm của bệnh viện. Dù bệnh viện bỏ tiền ra thuê dịch vụ bảo vệ từ công ty ngoài, nhưng bệnh viện phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ giữa hai bên xem họ có cung cấp dịch vụ, con người đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí của bệnh viện hay không. Sự việc xảy ra trong bệnh viện thì đương nhiên bệnh viện phải có trách nhiệm liên đới . Người bệnh và cộng đồng cũng chỉ biết vụ việc xảy ra tại bệnh viện chứ không quan tâm đến việc nhân viên bảo vệ là người của bệnh viện hay do bệnh viện đi thuê. 

Hiện nay, ngành y tế đang đề cao việc nâng cao chất lượng bệnh viện, được đánh giá bởi tiêu chí bệnh viện cung cấp các dịch vụ, giá cả như thế nào, đáp ứng sự hài lòng của bệnh ra sao. Trong đó, dịch vụ do bệnh viện cung cấp không chỉ là đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị, kỹ thuật mà ngay từ khâu đón tiếp người bệnh, từ thái độ của nhân viên y tế cho đến nhân viên bảo vệ bệnh viện.

- Có ý kiến cho rằng trong vụ việc này, việc bệnh viện không nhận lỗi là chưa thỏa đáng. Ông bình luận gì về ý kiến này?

- Chúng ta phải nhìn bản chất của sự việc đó như thế nào. Lúc này, không nên đổ lỗi tại ai, có nên nhận trách nhiệm hay không. Câu chuyện ở đây là văn hóa ứng xử. Đó không chỉ là ứng xử bằng pháp luật mà còn bằng giao tiếp và đạo đức giữa con người với con người, là trách nhiệm của bệnh viện với người bệnh, để làm sao giảm bức xúc của người bệnh và xã hội.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội: Kiên quyết không để bảo kê các điểm dừng, đỗ, đón, trả bệnh nhân

Lâu nay, bệnh viện là một trong những mục tiêu của tội phạm trộm cắp, móc túi và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, trong thời gian qua, Phòng CSHS - CATP đã triển khai lực lượng bí mật hóa trang, mật phục phòng chống, bắt giữ các đối tượng lợi dụng sơ hở của người dân, bệnh nhân để trộm cắp, móc túi và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy luật, đối tượng phạm tội thường trà trộn vào trong những khu vực tập trung đông người dân đến thăm khám để dễ ra tay rồi trốn thoát. Trong số những người dân đến khám bệnh, điều trị tại các bệnh viện lớn, số lượng người dân ở các tỉnh, thành phố khác chiếm khá lớn. Một số đối tượng đã giở những chiêu trò đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” hoặc muốn được khám nhanh, được chăm sóc tốt hơn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 

Nhằm đảm bảo ANTT tại các khu vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phòng CSHS đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tập trung phát hiện, bắt giữ xử lý nghiêm mọi hoạt động phạm tội và những hiện tượng tiêu cực khác tại các khu vực công cộng liên quan đến vận tải hành khách, hàng hóa và đưa đón bệnh nhân. Đặc biệt, lực lượng CSHS kiên quyết không để xảy ra hiện tượng bảo kê các điểm dừng đỗ, đón trả khách là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại khu vực các bệnh viện, đảm bảo tuyệt đối an toàn môi trường chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Thượng tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ CATP Hà Nội: Trong và ngoài cổng bệnh viện phải thông thoáng, an toàn

Thực hiện Kế hoạch phối hợp của CATP Hà Nội với Sở Y tế Hà Nội, lực lượng Cảnh sát bảo vệ CATP Hà Nội trong thời gian qua đã được bố trí ở 15 bệnh viện lớn trên toàn địa bàn thành phố. Với chức năng của mình, Cảnh sát bảo vệ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT trong và ngoài khu vực các cổng bệnh viện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các y, bác sĩ, công nhân viên các bệnh viện đang làm việc tại đây. 

Những CBCS được phân công nhiệm vụ tại các vị trí này đều được tuyển lựa kỹ, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các y, bác sĩ trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, CBCS của đơn vị còn có nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, TTĐT trong và ngoài khu vực các cổng bệnh viện; giúp cho đường thông hè thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện, đặc biệt là xe cấp cứu, xe cứu thương, xe chở người nhà, bệnh nhân ra, vào trong các bệnh viện. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát bảo vệ cũng phối hợp với CSGT phân luồng giao thông, phòng ngừa ùn tắc, cảnh báo các trường hợp nguy hiểm trong điều kiện thời tiết, đường phố xảy ra mưa bão, sự cố ảnh hưởng đến ATGT. 

Hoàng Phong (Ghi)