Ứng dụng trên mạng xã hội – Thị trường mới để kiếm tiền

ANTĐ - “100 tỉ đồng/ tháng là doanh thu từ các ứng dụng đang chạy trên nền tảng mạng xã hội Zing Me. Đây là một thị trường mới và đầy tiềm năng mà các nhà lập trình ứng dụng nên khai thác”, ông Nguyễn Văn Đức Trọng - Giám đốc Phát triển kinh doanh Zing, phát biểu tại buổi tọa đàm “Phát triển ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội Zing Me” tổ chức ngày 16.6.2012.

Theo đó, các nhà phát triển ứng dụng sẽ được chia sẻ 70% doanh thu nếu ứng dụng chỉ chạy trên Zing Me và 50% nếu ứng dụng chạy đồng thời trên các nền tảng khác. “Zing Me đã và đang triển khai nền tảng mở dành cho các doanh nghiệp và các nhà phát triển ứng dụng, các lập trình viên để hai bên có thể cùng hợp tác và tận dụng lợi thế sẵn có của Zing Me để tìm kiếm doanh thu. Đặc biệt với các ứng dụng mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng thì Zing Me rất khuyến khích phát triển và tỉ lệ chia sẻ doanh thu có thể còn lớn hơn con số 70%”, ông Trọng nói.

Ứng dụng đọc sách trên Zing Me

Hiện nay trên Zing Me có tất cả 94 ứng dụng, trong đó có 31 ứng dụng thuộc mảng giải trí, kinh doanh, tiện ích và 63 ứng dụng về trò chơi, trong đó có những ứng dụng thu hút đến 3 triệu người dùng mỗi tháng. Ngoài các ứng dụng kể trên, trên Zing Me còn có 394 doanh nghiệp và nhãn hàng đã đầu tư và thiết lập trang thông tin (fan page) như là một điểm tiếp xúc chính thức với khách hàng tại mạng xã hội này. Các fan page này đã đầu tư phát triển nhiều ứng dụng phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh, quảng bá cụ thể của mình.

Tại buổi tọa đàm, ông Trọng cũng đưa ra một số ưu điểm nếu doanh nghiệp chọn mạng xã hội Zing Me để triển khai các ứng dụng hoặc chiến dịch truyền thông. Thứ nhất, Zing Me có lượng người dùng lớn và ổn định, trong số đó có khoảng 1 triệu người dùng sẵn sàng trả tiền để sử dụng các ứng dụng trên mạng xã hội. Thứ hai, Zing Me có sẵn kênh thanh toán trực tuyến và phân phối trên toàn quốc; thứ ba, với ưu thế là mạng xã hội địa phương, doanh nghiệp dễ dàng nhận được sự hỗ trợ của Zing Me mọi lúc mọi nơi và cuối cùng là hệ thống kỹ thuật, cơ sở hạ tầng của Zing Me sẽ giúp cho ứng dụng luôn được vận hành thông suốt.

Bên cạnh đó, Zing Me có khoảng 40% người dùng trong độ tuổi từ 18 – 25. Lớp người trẻ này đang là đối tượng khách hàng tiềm năng của rất nhiều nhãn hàng trong mọi ngành nghề, sản phẩm dịch vụ khác nhau như: công nghệ, hàng tiêu dùng nhanh, thời trang, ăn uống, giải trí, viễn thông di động, xe cộ…

Tại buổi tọa đàm, một số doanh nghiệp từng hợp tác đưa ứng dụng lên mạng xã hội Zing Me cũng nhìn nhận đây là một mảnh đất khá màu mỡ mà giới lập trình chỉ mới bắt đầu chập chững làm quen. Với một thị trường mới và mở, việc làm sao để có được những ứng dụng hấp dẫn chinh phục người dùng mạng xã hội là một thách thức và rõ ràng cũng là một cơ hội khá rộng mở dành cho tất cả doanh nghiệp.