Thủ đô Hà Nội

Ùn tắc giảm, ý thức người dân được cải thiện

ANTĐ - Đánh giá về các giải pháp mà Hà Nội đã thực hiện từ đầu năm 2013 đến nay, cũng như kết quả đạt được trong công tác phòng, chống  TNGT và ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: 

Phát huy các giải pháp thực hiện từ năm 2012, Hà Nội đã nhân rộng mô hình cầu vượt lắp ghép ra một số nút giao có mật độ phương tiện qua lại đông, vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đã giảm rõ rệt. Ngoài ra, công tác hoạt động tuần tra, kiểm soát tiếp tục duy trì mô hình lực lượng 141, triển khai rộng khắp các địa bàn, vừa góp phần duy trì trật tự xã hội, vừa nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Đặc biệt, phải kể đến sự thay đổi trong việc đội mũ bảo hiểm. Tỷ lệ đội mũ trên địa bàn Hà Nội đã cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện Chỉ thị 04 của Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm. Hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Nữ CSGT Hà Nội gây thiện cảm với người dân trong giờ cao điểm

- Bên cạnh kết quả đạt được, giao thông Hà Nội còn tồn tại những gì cần phải cải thiện, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trọng Thái: Lòng đường vỉa hè thời gian gần đây đã có chuyển biến, nhưng việc đỗ phương tiện vẫn lộn xộn, mất trật tự… Đặc biệt, lĩnh vực phức tạp nhất trong giao thông Hà Nội hiện nay là quản lý vận tải. Tình trạng quá tải tại một số bến xe, cung vượt cầu dẫn tới xe khách chạy lòng vòng, xe dù, bến cóc. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về lĩnh vực này, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó có điều chuyển, giảm tải cho bến Mỹ Đình. Nhưng, đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của TP.

- Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các lực lượng chức năng như CSGT, Cảnh sát trật tự, lực lượng trật tự viên, Thanh tra GTVT trong việc đảm bảo giao thông Hà Nội?

- Ông Nguyễn Trọng Thái: Trong điều kiện hạ tầng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của phương tiện thì sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng, sự huy động và vào cuộc của các lực lượng rõ ràng đã cải thiện được tình hình ùn tắc giao thông rất nhiều. Nhiều tuyến phố nội đô khá thông thoáng, giảm số điểm ùn tắc. Hệ thống đèn tín hiệu cũng hợp lý hơn với sự điều chỉnh chu kỳ linh động, phù hợp với tùy nút giao, mật độ phương tiện qua lại.

Đây được đánh giá là giải pháp hiệu quả, không đầu tư nhiều nhưng mang lại kết quả cao, đặc biệt thấy rõ vào giờ cao điểm hay những khu vực thường xuyên ùn tắc.

- Để đạt được mục tiêu giảm 10% số vụ TNGT, giảm 20% số điểm đen ùn tắc giao thông trong năm 2013, theo ông 6 tháng cuối năm Hà Nội cần tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp nào?

- Ông Nguyễn Trọng Thái: Theo tôi, từ nay đến cuối năm, Hà Nội nên tập trung quản lý chặt chẽ lĩnh vực vận tải ô tô, lập lại trật tự trong vận tải, kể cả vận tải liên tỉnh và taxi như Chỉ thị 12 về tăng cường các biện pháp giảm thiểu TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Giải quyết tình trạng các phương tiện đón trả khách trái quy định, chạy xe lòng vòng. Muốn làm được điều này, cần phải huy động sự tham gia của lực lượng CSGT, Công an các phường, xã vào công tác quản lý tại các bến xe. Thứ nữa là ưu tiên phát triển hạ tầng, đây là yếu tố quan trọng nhất, càng dành nhiều đất cho hạ tầng giao thông càng tốt. Bên cạnh đó, lập lại trật tự dừng đỗ xe trên một số tuyến phố theo đúng tinh thần chỉ đạo hồi đầu năm 2012 của UBND TP, cấm đỗ trên các tuyến phố trung tâm, mật độ đông… Vỉa hè dứt khoát phải dành cho người đi bộ.

Đã giảm ùn tắc mỗi sáng

“Sống ở khu vực Hà Đông và làm việc tại nội thành, tôi đã quá quen với cảnh tắc đường mỗi sáng ở nút giao thông Nguyễn Trãi – Ngã Tư Sở hay nút Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, tình trạng này hiện đã giảm rất đáng kể. Theo tôi, phần vì có sự phân luồng tốt nhờ hệ thống cầu vượt nhẹ lắp ghép, phần vì điều chỉnh các nút đèn giao thông hoặc có cảnh sát trực tiếp điều khiển giao thông vào các giờ cao điểm. Chỉ cần người đi đường nâng cao thêm ý thức thì tình hình giao thông sẽ dễ chịu hơn nhiều”.

Anh Nguyễn Thanh Xuân (Hà Đông, Hà Nội) 

Cần nâng cao ý thức người đi đường

“Trước đây, ngã tư Lê Văn Lương kéo dài và Khuất Duy Tiến ùn tắc kinh khủng, nhất là vào giờ cao điểm. Phần vì phân bố thời gian cho tín hiệu đèn chưa hợp lý, phần vì đường hẹp và thiếu người điều khiển. Nhưng bây giờ, các vấn đề này đã cải thiện nhiều. Gần như tôi không gặp cảnh ùn tắc ở đoạn đường này nữa. Hơn nữa, do trên địa bàn Thủ đô lực lượng CSGT chốt trực thường xuyên, tình trạng vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn cũng ít hơn so với một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, vẫn cần tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông”.

Anh Nguyễn Hoài Nam (Từ Sơn, Bắc Ninh)

Xử lý nghiêm để răn đe

“Kể từ khi Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp như xây cầu vượt nhẹ, giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tôi thấy tình hình giao thông, bộ mặt đô thị Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Ví như, tôi phải đi làm qua ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc, kể từ khi cầu vượt đi vào hoạt động, thỉnh thoảng chỉ còn ùn ứ nhẹ. 

Ngoài ra, với sự vào cuộc quyết liệt, công tác kiểm tra, xử phạt khá mạnh tay của lực lượng chức năng, tình hình vi phạm trật tự ATGT cũng được cải thiện. Tuy nhiên, theo tôi, nên xử phạt mạnh tay, tăng cường tuần tra lưu động, đặc biệt về đêm để răn đe, ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm luật lệ giao thông”.

Chị Lê Thanh Mai (Ngõ 554, Trường Chinh, Hà Nội)