Ukraine từ chối đàm phán, quân đội Nga được lệnh tiếp tục tấn công trên mọi hướng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nga tấn công Ukraine tính đến ngày thứ 4 đã giành được nhiều kết quả quan trọng, áp sát Thủ đô Kiev và chiếm được một số thành phố ở phía Nam. Sau khi Kiev từ chối đàm phán, tất cả các đơn vị quân sự của Nga đã được lệnh tiếp tục tấn công trên mọi hướng theo kế hoạch tác chiến.

Không chấp thuận đàm phán

Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng hai nước cần ngồi xuống bàn đàm phán, Nga đã tạm thời đình chiến vào tối 25-2. Điện Kremlin cho biết, ông Putin sẵn sàng cử một phái đoàn tới Minsk (Belarus) để hội đàm với phái đoàn Ukraine, còn phía Kiev sau đó đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán ở Warsaw (Ba Lan) và sau đó ngừng trả lời, tức là không chấp thuận đàm phán.

Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga chiều 26-2 cho biết, Tổng thống Vladimir Putin hôm 25-2 ra lệnh cho quân đội đình chỉ hoạt động ở Ukraine, khi ông đang mong đợi cuộc đàm phán với ông Zelensky sẽ diễn ra, nhưng Kiev đã từ chối đàm phán nên tất cả các đơn vị quân sự của Nga đã được lệnh tiếp tục tấn công trên mọi hướng theo kế hoạch tác chiến.

Theo một bài đăng trên trang Facebook của quân đội Ukraine chiều 26-2, hơn 3.500 binh sĩ Nga tham gia “cuộc xâm lược” đã thiệt mạng và gần 200 người bị bắt làm tù binh. Quân đội Ukraine cũng đã tiêu diệt 14 máy bay chiến đấu, 8 máy bay trực thăng và 102 xe tăng cho đến ngày 26-2. Tối 26-2, Bộ quốc phòng Ukraine viết trong một bài đăng trên Facebook rằng, các chiến đấu cơ Su-27 của Ukraine đã phát hiện và bắn hạ một máy bay vận tải hạng nặng Il-76 đưa lính dù đổ xuống khu vực Kiev vào khoảng 0h23 (giờ địa phương, tức rạng sáng 26-2, theo giờ Việt Nam). Theo các thông tin của hãng sản xuất, phi cơ này có thể chở được 167 lính dù, và tổ bay gồm 6 tới 7 người nữa.

Nga tấn công Ukraine từ ngày 23-2 và đã áp sát Thủ đô Kiev

Nga tấn công Ukraine từ ngày 23-2 và đã áp sát Thủ đô Kiev

DPR và LPR đánh lấn, chiếm các vùng Kiev kiểm soát

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố những thiệt hại nặng nề về phía Ukraine. Theo Thiếu tướng Igor Konashenkov - đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga thông báo với các phóng viên, tính đến ngày chiến đấu thứ 4 (kể từ hôm 23-2), lực lượng quân đội Nga đã phá tan 821 chủ thể cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine; trong đó có 14 sân bay quân sự, 19 trung tâm chỉ huy, kiểm soát và đầu mối thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và “Osa”, 48 trạm radar. Bên cạnh đó, quân Nga đã chiếm được hàng loạt cứ điểm ngoại vi Thủ đô Kiev, kiểm soát hoàn toàn thành phố Melitopol thuộc tỉnh Zaporizhia ở Đông Nam Ukraine và thành phố Kherson (tỉnh Kherson) ở phía Bắc bán đảo Crimea, trong khi đang tấn công mạnh vào Mariupol (Donetsk) và thành phố Mykolaiv (tỉnh Mykolaiv).

Ông Igor Konashenkov cho biết thêm, tính đến ngày 26-2, các lực lượng quân sự của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) cũng đã đánh mạnh sang phía Tây, chiếm một vùng rộng lớn thuộc khu vực do chính quyền Kiev kiểm soát.

Cụ thể, trong chiến dịch đặc biệt bắt đầu ngày 24-2, nhóm quân của LPR đã tiến sâu 30km và làm chủ các khu dân cư Bakhmutovka và Grechishkino. Trong khi đó, các nhóm quân của DPR tấn công theo hướng Novomayskoye và đã tiến thêm 6km (các hướng tấn công khác ở vùng Donetsk do quân Nga đảm nhận nên không tính vào đây). Tuy nhiên giới truyền thông không thể xác minh độc lập tính chính xác của bất kỳ tuyên bố nào của Nga và Ukraine, trong khi Nga cho đến nay vẫn chưa thừa nhận bất kỳ thương vong nào.

ASEAN kêu gọi đối thoại giải quyết khủng hoảng Ukraine

Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong một tuyên bố ngày 27-2, Ngoại trưởng các nước ASEAN nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện sự kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, để kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh sức nóng ở Ukraine ngày càng tăng nhiệt kể từ sau khi Nga công nhận độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), đồng thời mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine. Nhiều nước đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân của Nga, đồng thời loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT). Trong khi đó, Nga cũng có những động thái đáp trả.