Ukraine: Nếu chiến sự tái diễn, thảm họa là không thể cứu vãn

ANTĐ - Tình hình Ukraine tuy đang yên ắng nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố khiến Thỏa thuận Minsk 2 bị phá vỡ và cuộc nội chiến sẽ bùng lên, không thể cứu vãn.

Ngày 21-3, Người đứng đầu Cộng hoà Nhân dân Lugansk tự phong, ông Igor Plotnitsky e ngại rằng, thiếu sự kiểm soát cứng rắn đối với chính quyền Kiev có thể khiến chiến sự ở khu vực đông nam Ukraine bùng lên bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương Tây có muốn làm điều đó hay không?

"Người dân đã quen với chiến tranh, dù có đau đớn và nặng nề. Điều mà chúng tôi nói hoàn toàn được khẳng định bằng ý kiến dư luận và suy nghĩ của người dân là, nếu không có sự kiểm soát cứng rắn chính quyền Kiev thì Ukraine sẽ bắt đầu chiến tranh”, ông Igor Plotnitsky nói.

Nhà lãnh đạo phe ly khai Lugansk lên án, chính quyền Kiev luôn mồm nói về hoà bình, nhưng đồng thời mua thiết bị quân sự, mời lính đánh thuê nước ngoài huấn luyện quân đội, thực hiện các hoạt động chuyển quân, củng cố các vị trí. “Tất cả được chúng tôi quan sát thấy không chỉ một lần" - ông Plotnitsky nói trong cuộc phỏng vấn của RIA Novosti.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo Nga và Donbass cũng phê phán việc chính quyền Hoa Kỳ chưa kịp nghiên cứu kỹ lưỡng đạo luật về quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass, nhưng đã “tin rằng việc thông qua văn kiện kể trên chứng tỏ ý định nghiêm túc của Kiev trong việc thực hiện Thỏa thuận Minsk”.

Tuyên bố của Đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đưa ra, được đăng tải trên trang web của cơ quan đối ngoại Hoa Kỳ có đoạn: "Chúng tôi hiện thời chưa nghiên cứu sâu nội dung của đạo luật, nhưng rõ ràng theo quan điểm của người Ukraine, nó cần được áp dụng cho tuyến ranh giới đã phân định hồi tháng 9 năm 2014.

Vị nữ phát ngôn viên này lưu ý rằng, “như vậy là Kiev đã hoàn thành trách nhiệm của mình về thông qua đạo luật xác định quy chế đặc biệt của Donbass. Bây giờ các bên có liên quan sẽ bắt đầu thảo luận về việc thực thi văn kiện này” - Bà Psaki tuyên bố trong bối cảnh luật này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của cả Nga và Donbass.

Dự luật mới chỉ thay đổi một vài điểm trong luật cũ hồi năm 2014, trong đó, chỉ cho phép một vài khu vực tại miền Đông được hưởng quy chế đặc biệt trong 3 năm, song phải tổ chức bầu cử hợp với luật pháp Ukraine và dưới sự giám sát của quan sát viên quốc tế.

Phe ly khai đe dọa sẽ có hành động đáp trả nếu chính quyền Kiev không điều chỉnh lại Luật quy chế đặc biệt cho Donbass
Thêm vào đó, Ukraine sẽ đề nghị Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm quân đội nước ngoài tới 2 thành trì của ly khai để giám sát lệnh ngừng bắn, mặc dù trước đó Nga và phe ly khai Donbass đã phản đối quyết liệt vấn đề này.

Nga chỉ trích Ukraine là “vi phạm trắng trợn và cố ý muốn viết lại thỏa thuận Minsk 2, đặc biệt là chính quyền Kiev không hề trao đổi với lực lượng ly khai về những sự thay đổi này”. Moscow đã kêu gọi Berlin và Paris phải có một động thái chính trị với Kiev vì hành vi mà họ cáo buộc là vi phạm thỏa thuận Minsk 2.

Lãnh đạo phe ly khai Donetsk và Lugansk cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hòa bình khi cho rằng, những sửa đổi của Kiev đã làm suy yếu luật trao quy chế đặc biệt cho 2 khu vực Donetsk và Lugansk. Họ khẳng định sẽ có hành động đáp trả nếu chính quyền Kiev không điều chỉnh lại Luật này.


Ukraine: Nếu chiến sự tái diễn, thảm họa là không thể cứu vãn ảnh 2
Kiev khẳng định luôn tôn trọng thỏa thuận Minsk 2 nhưng lại đang tích cực chuẩn bị vũ khí
Sự việc càng thêm trầm trọng khi Kiev dường như muốn “đổ thêm dầu vào lửa” bằng tuyên bố rất “vô trách nhiệm” của Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ Alexandr Motsyk rằng, quân đội nước này đang trong tình trạng hấp hối và chỉ có vũ khí của Mỹ mới có thể cứu vãn được tình thế.

Tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, nhà ngoại giao này kêu gọi Washington và các đồng minh trợ giúp vũ khí cho quân đội nước này, đồng thời biện minh bằng một giải thích hết sức kỳ quặc là “chính vũ khí và chỉ có vũ khí mới thúc đẩy hòa bình ở Ukraine”!?

Trước nguy cơ đổ vỡ của Thỏa thuận Minsk 2, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland đã bày tỏ sự lo lắng về việc, mặc dù các điểm mục đầu tiên của thỏa thuận Minsk về một lệnh ngừng bắn và rút lui vũ khí hạng nặng đang được thực thi nhưng phần sau của nó đang tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn.

Các thỏa thuận đạt được tại Minsk ngày 12-2 là nền tảng thực tế duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nền tảng này cần được phát huy bởi nếu chiến sự lại tiếp diễn ở Ukraine sẽ dẫn đến những thảm họa không thể cứu vãn - ông Thorbjorn Jagland cho biết tại Aftenposten.