Ukraine dọa Nga: Giảm giá khí đốt hoặc ra hầu tòa

ANTĐ - Ukraine vừa tuyên bố, nếu Kiev và Moscow không đạt được thỏa thuận khí đốt mới thì rất có thể nước này sẽ kiện Nga ra tòa.

Ukraine đã từng tuyên bố, nước này sẵn sàng trả khoản nợ 2.2 tỉ đô la mà họ nợ Nga trước đó, nếu Moscow đồng ý giảm mức giá khí đốt về mức cũ là 268,5 USD/1.000 m3. Nếu đề nghị này không được chấp thuận, Ukraine có thể sẽ kiện Nga, mà cụ thể là tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom lên tòa án trọng tài ở Stockholm do tăng giá khí đốt quá cao.

Công ty năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz ngày 15-4 cho biết: “Naftogaz đã liên tục đưa ra đề xuất về việc lập tức thanh toán đầy đủ các khoản tiền khí đốt nhập khẩu, nếu có thỏa thuận ấn định giá khí đốt của Nga ở mức 268,5 USD”. Tuy nhiên, phía Nga vẫn không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về vấn đề này.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 28-4, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk một lần nữa đưa ra đề nghị này, đồng thời cho biết chính phủ và công ty khí đốt quốc doanh Ukraine Naftogaz đã bắt đầu chuẩn bị các thủ tục kiện Gazprom lên tòa án trọng tài ở Stockholm do việc tăng giá khí đốt lên quá cao.

Phía Nga sẽ có 30 ngày để phúc đáp lại những đề nghị của Kiev. Nếu trong thời gian đó hai bên không đạt được thỏa thuận Ukraine sẽ nộp đệ đơn lên tòa án để giải quyết tranh chấp với tập đoàn Gazprom. Phía Nga hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Tuyên bố này được đưa ra xuất phát từ việc Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi đó, tập đoàn Gazprom liên tục tăng giá khí đốt bán cho nước này kể từ tháng tư lên mức 485 USD/1.000m3.

Với mức giá này, Kiev khó lòng có thể thanh toán trong khi nền kinh tế khủng hoảng cùng với các khoản nợ kếch xù mà nước này đang mang trên vai, mặc dù, ủy viên năng lượng của Liên minh châu Âu - ông Guenther Oettinger cho biết, EU sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc trả một phần nợ cho Gazprom. 

Ukraine dọa Nga: Giảm giá khí đốt hoặc ra hầu tòa ảnh 1

Slovakia và Ukraine ký thỏa thuận khí đốt hôm 28-4 (Ảnh minh họa)

Tiếp đến là việc Slovakia ký kết một bản ghi nhớ về việc cung cấp khí đốt cho Ukraine. Nhưng với công suất bơm tối đa 10 tỷ m3/năm chỉ bằng sử dụng các đường ống dẫn của Vojany-Uzhgorod, sẽ không đủ cho Ukraine sử dụng trong mùa đông tới. 

Cũng cần giải thích rõ, đường ống chính chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine và Slovakia thuộc quản lý của tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga - Gazprom, nếu Slovakia trích khí từ đường ống này cho Ukraine, tức là hai nước cùng sử dụng thì cần phải có sự chấp thuận từ Gazprom, mà việc này hoàn toàn không thể.

Lý do thứ hai giải thích cho việc Kiev đưa ra lời tuyên bố này là mặc dù Mỹ đã cam kết giúp Ukraine giảm phụ thuộc khí đốt vào Nga nhưng dường như điều này “hoàn toàn là những lời nói dối” - theo nhận định của William Engdahl, chuyên gia nghiên cứu về Toàn cầu hóa của Canada.

Lý giải cho việc này, một phần do Mỹ và các nước Châu Âu, bao gồm cả Ukraine thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu các thiết bị đầu cuối LNG, hay các cảng nước sâu có thể chứa các con tàu khổng lồ đi lại giữa hai châu lục. Một phần nữa là ngay cả khi cơ sở hạ tầng có sẵn thì giá khí đốt mua từ Mỹ sẽ cao hơn rất nhiều so với cái giá mà Nga đưa ra cho cho các nước Châu Âu trong đó có Ukraine.
Thậm chí, nếu mọi chuyện tiến triển tốt thì cũng cần khoảng thời gian là vài năm hệ thống này mới có đủ khả năng đưa vào sử dụng. Trong khi đó, cả Châu Âu và một Ukraine luôn thèm khát khí đốt liệu có đủ sức đứng vững đến thời điểm nói trên?

Theo báo cáo, hiện Nga cung cấp 30% lượng khí đốt cho EU, 14% lượng khí cho Pháp, 27% cho Italy, 36% cho Đức và 100% cho Phần Lan cũng như các quốc gia Baltic.